'Nguồn lực kiều bào góp phần xây dựng Việt Nam hùng cường'

Kiều bào Việt nAM
16:29 - 12/01/2023
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN.
0:00 / 0:00
0:00
Trước thềm chương trình Xuân Quê hương 2023, Mekong ASEAN trích đăng bài viết của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, trong đó nhấn mạnh nguồn lực người Việt trong và ngoài nước là sức mạnh để đất nước vươn xa. 

Kiều bào đóng góp toàn diện cho các lĩnh vực phát triển đất nước

Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, phát huy truyền thống yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) ngay từ khi mới hình thành đã luôn đồng hành cùng đất nước trong mọi hoàn cảnh, tạo nên nguồn sức mạnh tổng hợp, góp sức đưa Việt Nam phát triển vững mạnh đến ngày nay.

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, kiều bào đã không tiếc sức người, sức của, hết lòng ủng hộ cách mạng. Nhiều bà con, nhất là ở Lào và Thái Lan, đã nhiệt thành hưởng ứng tuần lễ vàng do Bác Hồ kêu gọi và chuyển về nước hàng trăm lượng vàng góp phần xây dựng đất nước.

Khi đất nước còn chìm trong nỗi đau chia cắt, kiều bào là lực lượng quan trọng vận động nhân dân và chính giới các nước, hình thành mặt trận nhân dân tiến bộ trên khắp thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.

Đến ngày Tổ quốc độc lập, non sông thu về một mối, nhiều kiều bào lại tình nguyện hồi hương, đem kiến thức và của cải của mình trở về nước trực tiếp tham gia xây dựng đất nước.

Trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, đồng bào ở nước ngoài cũng luôn hòa cùng dòng chảy của khối đại đoàn kết dân tộc, tham gia đóng góp nguồn lực tri thức, nguồn lực kinh tế và nguồn lực “mềm” cho Tổ quốc.

Kiều bào cũng là nhân tố vô cùng quan trọng đóng góp cho sự hội nhập sâu rộng của Việt Nam vào đời sống quốc tế, góp phần thúc đẩy hợp tác, làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

Kiều bào còn góp sức vào những nỗ lực chung của đất nước trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc như tổ chức các Câu lạc bộ vì Trường Sa – Hoàng Sa, thường xuyên tổ chức gặp gỡ, toạ đàm, hội thảo, sưu tập bản đồ… chứng minh chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông.

Hàng triệu kiều bào có mặt trên hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ là sợi dây kết nối giữa các thành viên trong gia đình với cộng đồng quê hương. Họ truyền đi thông điệp văn hóa sâu sắc đến bạn bè quốc tế, giúp bạn bè quốc tế hiểu và tin tưởng chúng ta hơn, góp phần tạo nên “sức mạnh mềm” của Việt Nam.

Với thế mạnh là tri thức và kinh nghiệm, kiều bào còn là nguồn lực chất xám quan trọng đóng góp cho đất nước. Hàng năm có khoảng 500 lượt chuyên gia trí thức NVNONN chủ yếu từ các nước phát triển... về nước tham gia tích cực vào các hoạt động xây dựng và hoạch định chính sách, đặc biệt tư vấn cho các ngành, lĩnh vực phát triển mới của Việt Nam.

Trong đó tiêu biểu có Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ICISE tại Quy Nhơn (Giáo sư Trần Thanh Vân - kiều bào Pháp); Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (Giáo sư Ngô Bảo Châu - kiều bào Mỹ); Viện khoa học và công nghệ tính toán TP HCM (Giáo sư Trương Nguyện Thành - kiều bào Mỹ); Trường Doanh thương Trí Dũng (Tiến sỹ Nguyễn Trí Dũng - kiều bào Nhật)...

Một nguồn lực vô cùng quan trọng khác của kiều bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước là nguồn lực về kinh tế. Cho đến nay, kiều bào đã đầu tư về nước hàng nghìn dự án với số vốn hàng tỷ USD, góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và tăng nguồn thu từ thuế cho ngân sách nhà nước.

Kiều hối là nguồn lực quan trọng góp phần xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế và bổ sung ngoại tệ cho đất nước. Trong 3 năm cả thế giới biến động và lao đao vì đại dịch Covid-19, kiều hối gửi về nước vẫn tăng đều đặn khoảng 4 - 5%/năm, đạt mức 18,1 tỷ USD năm 2021, tương đương gần 5% GDP, giúp Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thu hút kiều hối lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, doanh nhân kiều bào cũng có nhiều đóng góp trong xúc tiến thương mại, kết nối đầu tư và quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt ở sở tại, đặc biệt là những mặt hàng thế mạnh của ta như may mặc, da giày, nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ…

Phát huy truyền thống đoàn kết, “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, đồng bào ta ở nước ngoài còn tích cực hỗ trợ, tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo hướng về quê hương, ủng hộ đất nước trong công cuộc phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ đồng bào ở các nước gặp khó khăn như tại Ukraine.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Luxembourg thăm hỏi kiều bào Việt Nam, tháng 12/2022. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Luxembourg thăm hỏi kiều bào Việt Nam, tháng 12/2022. Ảnh: VGP.

Để vươn xa trên con đường phát triển

Với quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Đảng và Nhà nước đã đề ra hàng loạt các định hướng và nhiệm vụ cụ thể trên mọi lĩnh vực, trong đó con người là mục tiêu và động lực trong đường lối phát triển.

Người Việt Nam ở trong và ngoài nước chính là “cái gốc”, là động lực để thực hiện mục tiêu và khát vọng “Việt Nam hùng cường” mà Đại hội Đảng XIII đã đề ra; là nguồn sức mạnh để Việt Nam vươn xa trên con đường phát triển, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.

Thời gian tới, trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng và toàn diện vào khu vực và toàn cầu, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc của người Việt Nam ở trong và ngoài nước không chỉ là bài học thành công của quá khứ mà còn là nguồn lực vô song để phát triển đất nước, phát triển cộng đồng.

Để thực hiện được mục tiêu và khát vọng trên, Việt Nam cần phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, trong đó, sự tham gia chủ động, tích cực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là không thể thiếu.

Chương trình Xuân Quê hương dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ được tổ chức ngày 13-14/1, mang chủ đề “Đất nước niềm tin và khát vọng”. Chương trình sẽ có một số hoạt động dành cho kiều bào như tọa đàm của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội với Đoàn kiều bào tiêu biểu về chính sách pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Chương trình gặp mặt lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và vinh danh kiều bào tiêu biểu; Chương trình Hội chợ Xuân “Happy Tết 2023” với các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại Hà Nội... Đặc biệt là lễ thả cá chép truyền thống tại Ao Sen trong khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Tin liên quan

Đọc tiếp