Nhập khẩu lạm phát (Bài 1): Sự trở lại trên toàn cầu

LẠM PHÁT THẾ GIỚI
07:19 - 09/03/2022
Nhập khẩu lạm phát (Bài 1): Sự trở lại trên toàn cầu
0:00 / 0:00
0:00
Ngay cả ở Trung Quốc, cường quốc xuất khẩu của thế giới, rủi ro nhập khẩu lạm phát cũng đang hiện hữu.

Áp lực nhập khẩu lạm phát tại nhiều quốc gia

Vào giữa tháng 2, giá cà phê đã trở thành chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội Weibo (Trung Quốc) có hơn 500 triệu người dùng khi hàng loạt chuỗi cà phê lớn, bao gồm cả Starbucks điều chỉnh tăng giá.

30 Nhân dân tệ (khoảng 108,5 nghìn đồng) là giá mà người Trung Quốc phải trả cho mỗi cốc cà phê Americano sau đợt tăng giá hơn 7% của Starbucks tại thị trường này gần đây. Nhiều chuỗi cà phê khác như Tim Hortons hay Luckin Coffee cũng đã tăng giá hoặc đang xem xét động thái tương tự.

Cà phê hạt nhập khẩu đáp ứng tới khoảng 50% tổng nhu cầu hạt cà phê của thị trường Trung Quốc, do đó mức giá cà phê trong nước được quyết định phần lớn bởi mức giá trên thị trường quốc tế.

Trong 12 tháng qua, giá US Coffee C Future, mức giá tiêu chuẩn của hạt cà phê Arabica trên sàn giao dịch hàng hóa quốc tế New York đã tăng lên mức cao nhất thập kỷ là 2,58 USD/pound vào phiên 9/2 trước khi giảm về mức 2,25 USD/pound vào phiên 7/3. Một năm trước đó, mức giá chỉ dao động quanh 1,3 USD/pound.

Tăng giá cà phê chỉ là một trong rất nhiều minh chứng về nguy cơ nhập khẩu lạm phát đã hiệu hữu với Trung Quốc. Mặc dù giá cà phê không ảnh hưởng lớn đến rổ các mặt hàng tiêu dùng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn phải vật lộn với sức ép lớn khi các hàng hóa cơ bản như dầu thô, quặng sắt… tăng vọt.

Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc năm ngoái đã tăng vọt 30,1% so với năm 2020 để đạt mức 2,69 nghìn tỷ USD, theo dữ liệu hải quan nước này. Trong đó, nhập khẩu nông sản đạt 170,8 tỷ USD, tăng 28,6%.

Trong báo cáo chính sách tiền tệ được công bố vào đầu tháng 2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc dự báo lạm phát tiêu dùng trong nước có thể tăng nhẹ nhưng vẫn nằm trong khoảng hợp lý, trong khi giá sản xuất chỉ số sẽ tiếp tục xu hướng giảm. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang tỏ ra lo ngại về áp lực lạm phát trong bối cảnh chi phí sản xuất đã tăng trong nhiều tháng qua do sức ép từ giá nhiên nguyên vật liệu đầu vào.

Trong tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng mạnh 9,1%. Việc chi phí sản xuất tăng cao hơn nhiều so với giá tiêu dùng phản ánh tình cảnh khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tìm kiếm lợi nhuận.

Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng các vấn đề Trung Quốc tại Ngân hàng Standard Chartered nhận định: “Chắc chắn sẽ có rủi ro lạm phát nhập khẩu từ hoạt động nhập khẩu dầu thô”. Vị này ước tính lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc năm nay sẽ tăng lên 2,2%. Con số này vẫn dưới mức lạm phát mục tiêu 3% nhưng phản ánh mức lạm phát tăng mạnh so với năm ngoái.

Ấn Độ là một nền kinh tế mới nổi khác cũng đối diện với nguy cơ nhập khẩu lạm phát, tương tự như Trung Quốc. Cố vấn kinh tế trưởng Sanjeev Sanyal (Bộ Tài chính Ấn Độ) cảnh báo: “Cần quan tâm đến vấn đề nhập khẩu lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng”.

Về bán lẻ, lạm phát giá tiêu dùng (CPI) của Ấn Độ hồi tháng 2 đạt 6,01%. Tuy nhiên, về bán buôn, lạm phát giá buôn (WPI) đang ở mức hai con số là 12,96% khi giá năng lượng, hàng hóa phi thực phẩm, giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận tải logistics tăng vọt do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian qua.

Việc giá dầu thô tăng mạnh vượt 120 USD/ thùng đã làm tăng mức giá chung của rổ hàng hóa tiêu dùng tại Ấn Độ. Bên cạnh đó, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng khác như dầu cọ và dầu hạt cải cũng tăng cao do lo ngại nguồn cung dầu hướng dương - chủ yếu từ Nga và Ukraine - gián đoạn. Khoảng 17% lượng muối kali và 60% lượng phân NPK nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Nga. Khoảng 30% vật liệu được sử dụng trong các dự án cơ sở hạ tầng tại Ấn Độ cũng có nguồn gốc từ Nga.

Đồng rupee trượt giá đáng kể trong thời gian qua cũng làm tăng chi phí nhập khẩu, làm trầm trọng thêm nguy cơ nhập khẩu lạm phát tại quốc gia này.

Tờ The Hindu Business Lines nhận định gần như chắc chắn rằng lạm phát giá tiêu dùng của Ấn Độ sẽ vượt ra khỏi vùng mục tiêu của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) (2-6%), trong tình hình giá nhiên liệu và thực phẩm đều tăng mạnh.

Lạm phát tăng tác động đến tiêu dùng và đầu tư trong dài hạn. Nhưng trong ngắn hạn, điều RBI lo ngại là thâm hụt cán cân vãng lai ngày càng gia tăng do giá trị hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là dầu thô tăng mạnh. Điều này kết hợp với sự suy yếu của đồng rupee khi dòng đầu tư gián tiếp nước ngoài chảy ra sẽ làm trầm trọng hơn nữa những thách thức cho nền kinh tế Ấn Độ.

Một phân tích do World Bank công bố hôm 14/2 chỉ ra rằng nguy cơ lạm phát nhập khẩu trên toàn cầu khi giá hàng hóa liên tục tăng. Rủi ro này đặc biệt đáng quan tâm tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, trong bối cảnh tiền tệ các nước này trượt giá do dòng vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm và xếp hạng tín nhiệm quốc gia bị hạ.

Giá dầu chạm mốc 125 USD/ thùng, tăng cao nhất kể từ năm 2008 (Ảnh: Bloomberg)

Giá dầu chạm mốc 125 USD/ thùng, tăng cao nhất kể từ năm 2008 (Ảnh: Bloomberg)

Dự báo về lạm phát tại một số nền kinh tế trên thế giới trong năm 2022 thực hiện bởi Reuters (Nguồn: Reuters Polls)

Dự báo về lạm phát tại một số nền kinh tế trên thế giới trong năm 2022 thực hiện bởi Reuters (Nguồn: Reuters Polls)

Các nước đối phó với nhập khẩu lạm phát như thế nào?

Tại Trung Quốc, nhà phân tích trưởng của Ngân hàng Minsheng là ông Wen Bin đã gợi ý một số biện pháp để nước này kiềm chế lạm phát nhập khẩu, trong đó quan trọng nhất là kích thích tiềm năng của thị trường nội địa và tăng cường biện pháp hỗ trợ cho các thực thể trong nền kinh tế. "Trung Quốc nên duy trì chính sách đảm bảo nguồn cung hàng hóa số lượng lớn để ổn định giá cả trong năm nay", ông Wen Bin nói thêm.

Tại Ấn Độ, trong nỗ lực kiềm chế nhập khẩu lạm phát lương thực thực phẩm, Chính phủ đã quyết định giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng như đậu lăng (xuống 0%) và dầu cọ (xuống 5%).

Tương tự cách làm của Ấn Độ, Chính phủ Colombia hồi tháng 2 tuyên bố giảm thuế với gần 200 mặt hàng xuất khẩu, thời gian áp dụng ngay từ cuối tháng trong nỗ lực đối phó với nhập khẩu lạm phát khi tỷ lệ lạm phát đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 6 năm.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Colombia Jose Manuel Restrepo, các mặt hàng trong diện cắt giảm thuế nhập khẩu chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp bởi theo thống kê của Chính phủ, giá lương thực tăng là nguyên nhân chính thúc đẩy lạm phát hàng tại quốc gia này đã tăng lên 6,9% vào tháng 1, cao hơn nhiều so với mục tiêu 3% của ngân hàng trung ương.

Chính sách giảm thuế nhập khẩu được Colombia thực hiện song song với chính sách tiền tệ thắt chặt khi ngân hàng trung ương liên tục tăng lãi suất từ mức 2,25% hồi tháng 9/2021 lên 4% trong tháng 2/2022. Một số nhà kinh tế thậm chí dự báo lãi suất sẽ tăng lên 6,5% vào tháng 6 trong bối cảnh áp lực lạm phát lớn như hiện tại.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương Sri Lanka (CBSL) lại đề xuất Chính phủ xem xét các biện pháp như hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, tăng thuế sử dụng nhiên liệu và điện song song với tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát nhập khẩu.

Lạm phát giá bán lẻ tại Sri Lanka đã tăng vọt lên 15,1% trong tháng 2 vừa qua trong khi lạm phát giá thực phẩm đạt tới 25,7%, mức cao nhất trong khoảng 1 thập kỷ. Trong khi đó, mục tiêu lạm phát mà CBSL đặt ra là khoảng 4-6% trong trung hạn.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.