Nhiều đồng tiền châu Á chịu áp lực bán tháo, tỷ giá VND ra sao?

TÀI CHÍNH CHÂU Á
10:49 - 25/10/2021
Nhiều đồng tiền châu Á chịu áp lực bán tháo, tỷ giá VND ra sao?
0:00 / 0:00
0:00
Nhà đầu tư không ngừng bán tháo các loại tiền tệ châu Á do lo ngại tình trạng tăng trưởng giảm tốc ở Trung Quốc và hiện tượng giá cả hàng hóa tăng vọt, dấu hiệu lạm phát trên toàn cầu.

Lạm phát gây sức ép lên nhiều đồng tiền châu Á

Khi đồng bạc xanh mạnh lên do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm tăng lãi suất trong năm 2022, hàng loạt đồng tiền tệ châu Á từ đồng won (Hàn Quốc), đồng baht (Thái Lan) cho đến đồng Yên (Nhật Bản) đang chịu sức ép bán tháo mạnh mẽ.

Tại Mỹ, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 5 vào tuần trước. Nhà đầu tư kỳ vọng dự báo của Fed sớm đảo ngược chính sách tiền tệ, thị trường trông đợi lợi suất sẽ còn tăng vọt từ nay đến cuối năm.

Dự báo về sự mạnh lên của đồng USD và sự tăng vọt của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tác động đến hàng loạt đồng tiền châu Á, khiến nhiều loại tiền tệ mất giá mạnh mẽ. Đồng Yên Nhật giảm khoảng 3% trong tháng trước, có thời điểm chạm mức yếu nhất trong gần 4 năm, giao dịch ở mức 114,69 Yên đổi 1 USD. Tính từ đầu năm đến nay, đồng Won của Hàn Quốc mất giá khoảng 8% trong khi đồng Baht mất giá khoảng 10%. Đây là 3 trong số những đồng tiền trượt giá mạnh nhất trên toàn châu Á.

Ken Cheung, chiến lược gia ngoại hối châu Á tại Ngân hàng Mizuho cho biết kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất sớm hơn dự kiến của Fed trong bối cảnh lạm phát gia tăng trên toàn cầu là mối lo ngại chính dẫn đến sự trượt giá của nhiều đồng tiền châu Á.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách đã nỗ lực trấn an thị trường rằng lạm phát chỉ là vấn đề tạm thời của nền kinh tế, giá than, giá dầu và khí đốt tự nhiên vẫn tăng vọt, thổi bùng lên tâm lý quan ngại.

Tuy nhiên, tác động từ việc tăng giá năng lượng với các quốc gia là không giống nhau. Các nhà xuất khẩu nhiên liệu ròng đang ghi nhận đồng tiền mạnh lên, trong khi các nhà nhập khẩu nhiên liệu ròng có xu hướng chứng kiến sự mất giá tiền tệ do áp lực lạm phát từ mức giá cao hơn.

Diễn biến tỷ giá 3 tháng gần nhất của một số đồng tiền châu Á so với đồng bạc xanh (Ảnh: Nikkei Asia)

Diễn biến tỷ giá 3 tháng gần nhất của một số đồng tiền châu Á so với đồng bạc xanh
(Ảnh: Nikkei Asia)

Đồng tiền tại các nền kinh tế nhập khẩu năng lượng như Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang suy yếu nhanh chóng. Trong tháng này, ngân hàng trung ương Hàn Quốc đang xem xét can thiệp khi đồng Won giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tỷ giá đồng lira đã giảm khoảng 10% trong tháng trước, chạm mức yếu nhất mọi thời đại so với đồng USD. Áp lực giảm giá của đồng lira còn mạnh mẽ hơn khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thúc đẩy ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất 2% vào tuần trước bất chấp lạm phát ở mức cao.

Trong một diễn biến trái chiều, Nga - với tư cách là một nước xuất khẩu nhiên liệu ròng - đã chứng kiến đồng Rúp tăng giá khoảng 3% so với đồng bạc xanh trong tháng trước. Đây là một trong số ít đồng tiền tệ trên toàn cầu mạnh lên so với đồng USD trong thời gian qua. RBC Capital Markets nhận định đồng đồng ringgit Malaysia có khả năng tăng giá so với đồng USD khi quốc gia xuất khẩu dầu thô ròng này đang hưởng lợi từ việc giá dầu tăng.

Giá nhiên liệu toàn cầu tăng vọt từ đầu năm đến nay (Ảnh: Nikkei Asia)

Giá nhiên liệu toàn cầu tăng vọt từ đầu năm đến nay (Ảnh: Nikkei Asia)

Một nguyên nhân khác thúc đẩy đà trượt giá của nhiều đồng tiền châu Á là nguy cơ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc khi tình trạng thiếu điện kéo dài và thị trường bất động sản nguội lạnh do cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande.

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 4,9% trong quý III, thấp hơn kỳ vọng của các nhà quan sát. Được đánh giá là động lực phục hồi quan trọng của nền kinh tế châu Á nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung, sự giảm tốc tăng trưởng của Trung Quốc đang làm tăng tâm lý quan ngại của nhà đầu tư.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF gần đây cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2021, cảnh báo "nỗi sợ lạm phát" là nguy cơ làm chậm đà phục hồi kinh tế từ đại dịch.

Nhiều quốc gia châu Á đang hướng tới vừa nới lỏng chính sách tiền tệ vừa nỗ lực kiềm chế lạm phát. Chẳng hạn, ngân hàng trung ương Singapore trong tháng nay đã bất ngờ thắt chặt chính sách tiền tệ lần đầu tiên sau 3 năm. Trước đó, Hàn Quốc và New Zealand cũng có động thái tăng lãi suất.

Áp lực trượt giá tiền tệ có thể kéo dài

Ông Charlie Lay, chiến lược gia ngoại hối tại ngân hàng Commerzbank (Singapore) nhận định trong năm 2022, đồng Won và đồng Baht vẫn còn khả năng tăng giá khi kinh tế Hàn Quốc khôi phục mạnh mẽ trở lại nhờ xuất khẩu hàng điện tử còn Thái Lan lấy lại đà tăng trưởng nhờ mở cửa du lịch.

Trong khi đó, chiến lược gia Ken Cheung từ ngân hàng Mizuho thì cho rằng tỷ lệ tiêm chủng là dữ liệu quan trọng tác động đến tỷ giá tiền tệ. "Tỷ lệ tiêm chủng vẫn còn thấp ở Đông Nam Á, vì vậy ngay cả khi các quốc gia có động thái mở lại biên giới, nguy cơ làn sóng dịch tiếp theo bùng phát và triển vọng tăng trưởng không chắc chắn có thể khiến các đồng tiền châu Á tiếp tục trượt giá”.

Đồng quan điểm với chiến lược gia Ken Cheung, ông Motoki Maruyama, người đứng đầu bộ phận kinh doanh ngoại hối và tỷ giá tại tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ cho biết: “Nhìn chung, chúng tôi tin rằng các đồng tiền châu Á vẫn chịu áp lực suy yếu trong tương lai gần. Khi giá năng lượng không ngừng tăng và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, các quốc gia có tài khoản vãng lai yếu sẽ gặp bất lợi trong việc điều hành chính sách kinh tế vĩ mô”.

Tỷ giá VND liệu có chịu sức ép?

Tỷ giá USD/VND hiện vẫn ổn định trong 9 tháng đầu năm nay (Ảnh: VCBS)

Tỷ giá USD/VND hiện vẫn ổn định trong 9 tháng đầu năm nay (Ảnh: VCBS)

Tại thị trường ngoại hối trong nước, tỷ giá USD/VND hiện vẫn ở mức ổn định trong 9 tháng đầu năm nay.

Báo cáo mới công bố tháng này của chứng khoán VCBS cho thấy trong 9 tháng đầu năm, VND đã tăng giá khoảng 1,5% so với USD. VCBS dự báo từ nay đến cuối năm, tiền Đồng tiếp tục xu hướng mạnh lên so với đồng bạc xanh do chính sách tỷ giá linh hoạt, nhất quán từ NHNN và dự trữ ngoại hối quốc gia vững chắc. Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và động lực phục hồi kinh tế mạnh mẽ cũng tạo tiềm năng lớn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, qua đó củng cố sức mạnh tiền Đồng.

Trong phần còn lại của năm, VCBS dự báo VND có xu hướng mạnh lên so với đồng USD với mức biến động không quá 2%.

Đồng quan điểm, chuyên gia Kinh tế Trưởng Michael Kokalari của VinaCapital nhận định VND có xu hướng mạnh lên 2-3%/năm nhờ dòng vốn FDI tiếp tục chảy về kết hợp dòng kiều hối lạc quan và thặng dư cán cân thanh toán (BoP) ước tính 7% GDP trong năm nay. Mặt khác, sau cam kết với Bộ Tài chính Mỹ về định giá VND, NHNN hiện chịu áp lực đáng kể trong việc cho phép tiền Đồng tăng giá.

Trái ngược nhận định này, một số ý kiến cho rằng tỷ giá VND chịu nhiều sức ép từ nay đến cuối năm do xu hướng đồng bạc xanh mạnh lên khi Fed phát tín hiệu thu hẹp dần các kích thích tiền tệ.

Trong khi đó, sức ép lạm phát trên thị trường nội địa cũng ngày một tăng khi giá xăng dầu trong nước tăng nhanh cùng giá nhiên liệu thế giới. Chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế góp phần tạo áp lực cho tỷ giá, nhất là khi mặt bằng lãi suất giảm xuống mức thấp chưa từng có trong nhiều năm.

Tính đến phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 22/10, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD do NHNN niêm yết hiện ở mức 23.142 đồng. Tỷ giá USD tham khảo tại Sở giao dịch NHNN ở mức 22.750 - 23.786 đồng (mua vào - bán ra).

Tin liên quan

Đọc tiếp