"Nợ xấu ngân hàng không tệ như mọi người nghĩ"

NGÂN HÀNG Việt nAM
08:50 - 18/12/2021
Talkshow "Ngân hàng bán lẻ - Động lực bứt phá của Ngành Ngân hàng", tổ chức ngày 16/12.
Talkshow "Ngân hàng bán lẻ - Động lực bứt phá của Ngành Ngân hàng", tổ chức ngày 16/12.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia từ Quỹ đầu tư Dragon Capital (DC) phân tích, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% cuối năm 2020 lên 1,91% cuối quý III/2021 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Sau quá trình dịch bệnh và giãn cách kéo dài, rất nhiều nhà đầu tư băn khoăn về việc nợ xấu liệu có tăng lên hay không và rủi ro từ nó sẽ ảnh hưởng tới các ngân hàng như thế nào trong thời gian tới.

Ông Lê Quang Trung – Phó Tổng giám đốc VIB cho biết, ngành ngân hàng có rất nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai, theo như dự báo kinh tế năm 2022, mức tăng trưởng của ngân hàng sẽ tăng trưởng từ 4,5 - 6,5%. Ngoài ra, ngân hàng cũng đang kỳ vọng vào gói hỗ trợ kích thích tăng trưởng của Chính phủ, bởi nó sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, và doanh nghiệp có thêm dòng tiền giảm được tiềm ẩn nguy cơ về nợ xấu.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Đức – Giám đốc Khối phát triển khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, hiện nay, nhà đầu tư cá nhân đang chiếm vai trò chủ đạo trên thị trường, trong khi nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài, nói cách khác là nhà đầu tư chuyên nghiệp lại có vai trò tương đối mờ nhạt.

"Thông thường nhà đầu tư cá nhân giao dịch rất nhanh, họ kỳ vọng vào 1 mức sinh lời nhanh, vì thế họ thường chọn vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thay vì vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu ngành ngân hàng." ông Đức nhận định. Và đó chính là một trong những lý do khiến cổ phiếu ngân hàng bị mất sức hấp dẫn thời gian gần đây.

Theo chuyên gia chứng khoán SSI, từ đầu năm 2021, dòng tiền tại các ngân hàng tiến triển rất tích cực đối với cổ phiếu ngân hàng, đẩy trị giá của mức cổ phiếu lên cao, mang lại lợi nhuận không nhỏ cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên trong thời gian gần đây, cổ phiếu ngân hàng lại vướng mắc một vài vấn đề như lo lắng của nhà đầu tư về tình hình nợ xấu, sau quá trình tăng giá khá dài, định giá của ngân hàng đã không còn rẻ, ngoài ra nhiều ngân hàng đã trả cổ tức bằng cổ phiếu thời gian qua, tạo nên áp lực về số lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường, ảnh hưởng lên giá cổ phiếu.

"Tuy nhiên, trong thời gian tới cổ phiếu ngành ngân hàng cũng có thể sẽ tích lũy thêm 1 thời gian, để những yếu tố đó qua đi, xuất hiện những câu chuyện mới như lợi nhuận cao, phục hồi sau dịch, nợ xấu thấp,…để kéo nhóm cổ phiếu này tăng trưởng tốt hơn." - Ông Đức cho biết.

Có thể thấy, ngân hàng là ngành hiếm hoi có lợi nhuận có thể tăng trưởng thời gian dài, kể cả sau dịch. Lợi nhuận của ngân hàng hiện nay chủ yếu đến từ tín dụng, trong khi quy mô tín dụng thì luôn tăng theo thời gian.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đa dạng hóa doanh thu của mình đến từ nhiều nguồn. "Không ngạc nhiên khi lợi nhuận ngân hàng tăng mạnh. Ẩn số duy nhất là nợ xấu và áp lực buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, làm ảnh hưởng tới lợi nhuận. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế phát triển đúng hướng thì nỗi lo không nhiều, và tạo điều kiện cho ngân hàng tăng trưởng vững chắc thời gian tới".

Về vấn đề nợ xấu, Bà Phạm Thùy Dương – Phó Giám đốc Bộ phận phân tích, Quỹ đầu tư Dragon Capital (DC) khẳng định, việc nhiều nhà đầu tư lo lắng về vấn đề này cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, ở góc độ đầu tư cơ bản, giá trị, đại diện DC cho rằng việc này không tệ như mọi người nghĩ. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% cuối năm 2020 lên 1,91% cuối quý III/2021 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

Ảnh tác giả

Thêm nữa là dư nợ tái cơ cấu để hỗ trợ COVID-19 đợt cuối tháng 9/2021 ở dưới mức 2,6% tổng dư nợ, mốc thực tế đã thấp hơn nhiều so với đỉnh 3,9% cuối năm 2020. Ngoài ra, các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm đã thiết lập chi phí dự phòng điển hình là tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng hiện tại đang ở mức kỷ lục và trung bình cao trong khu vực, 1 số ngân hàng top đầu thực tế còn lên trên mức 200%

Bà Phạm Thùy Dương – Phó Giám đốc Bộ phận phân tích, Quỹ đầu tư Dragon Capital (DC)

Quan điểm của DC nhận định là chi phí dự phòng trong thời gian sắp tới nếu không xảy ra giãn cách xã hội diện rộng nữa thì khó ảnh hưởng đến bức tranh lợi nhuận trong năm 2022.

Trong quý IV và năm sau, bà Dương cho rằng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ được hỗ trợ bởi tăng trưởng tín dụng hồi phục mạnh mẽ. Cuối tháng 12, nhiều ngân hàng cũng đã xin thêm room tín dụng, đây sẽ là động lực lợi nhuận cho ngân hàng, đặc biệt là tín dụng mảng bán lẻ.

Bên cạnh đó, nguồn thu của các ngân hàng bây giờ cũng đa dạng, đến từ nguồn thu dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của nhiều tệp khách hàng khác nhau. "Do đó, Dragon Capital khá tự tin với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sắp tới cho cả quý IV/2021 và năm 2022", bà Dương nhận định.

Sau khi kết thúc đợt giãn cách, nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, nhu cầu về tín dụng tăng lên, thị trường bùng nổ thì hàng loạt các ngân hàng được nhà nước phê duyệt nới room tăng trưởng tín dụng. Điển hình như VIB tăng trưởng trên 19%, là cơ hội để các ngân hàng tiếp tục tăng trưởng, bù đắp cho những rủi ro mà ngân hàng được trích lập từ quỹ dự phòng trước đó.

"Quan ngại về rủi ro thời điểm là không lớn, nền kinh tế Việt Nam đã gần như hồi phục được 70-80%, và chúng ta không còn phải quá lo lắng về các vấn đề kéo dài trong đợt giãn cách trước đó." chuyên gia SSI ông Nguyễn Anh Đức nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp