OPEC và Nga vẫn tăng sản lượng bất chấp giá dầu giảm sâu

khoáng sản THẾ GIỚI
11:14 - 03/12/2021
OPEC và Nga vẫn tăng sản lượng bất chấp giá dầu giảm sâu
0:00 / 0:00
0:00
Giá dầu trên thị trường thế giới đang tiếp tục giảm mạnh hơn khi số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt tại châu Âu và biến chủng Omicron đe dọa hoạt động phục hồi kinh tế, nhưng OPEC và Nga trái ngược với dự đoán vẫn tăng sản lượng khai thác.

Saudi Arabia, Nga và nhiều nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới đã quyết định vẫn duy trì kế hoạch tăng sản lượng dầu từ tháng 1/2022 bất chấp việc giá dầu toàn cầu giảm sâu hơn 20% tính từ cuối tháng 10 đến nay. Theo CNN, thỏa thuận mới nhất được công bố hôm 2/12 trong cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh vốn được biết đến với cái tên OPEC+.

Chốt phiên 2/12, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 80 xu Mỹ (1,2%) lên 69,67 USD/thùng sau khi có lúc rơi xuống mức thấp 65,72 USD/thùng trong cùng phiên. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 93 xu Mỹ (1,4%) lên 66,50 USD/thùng, sau khi có lúc giảm xuống 62,43 USD/thùng trong phiên này.

Giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai, loại dầu chuẩn của thế giới, đã tăng khoảng 70% tính từ đầu năm đến nay, tuy nhiên bắt đầu giảm từ tháng 11 khi mà Mỹ và một số nước tiêu thụ dầu lớn của thế giới đồng ý xả ra hàng triệu thùng dầu từ dự trữ chiến lược nhằm hạ nhiệt giá xăng đồng thời ngăn lạm phát tăng cao hơn nữa.

Mặc dù giá “vàng đen” đã lấy lại đà phục hồi vào cuối phiên, song sự thiếu chắc chắn liên quan đến biến thể Omicron, chính sách hạn chế của các chính phủ nhằm ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 mới và những dự đoán về tình trạng dư cung vẫn khiến các nhà giao dịch giữ tâm lý thận trọng.

Trong tuyên bố mới nhất, OPEC+ cho biết sẽ vẫn tiếp tục tính đến diễn biến của đại dịch COVID-19, theo sát diễn biến trên thị trường dầu, đồng thời sẵn sàng có những điều chỉnh phù hợp nếu cần thiết. Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 4/1/2022.

Các chuyên gia phân tích đã kỳ vọng OPEC+ sẽ hoãn tăng sản lượng 400.000 thùng dầu/ngày từ tháng 1/2022 bởi xét đến việc giá dầu giảm trong thời gian qua và nhiều yếu tố bất ổn liên quan đến đại dịch COVID-19 cũng như tác động của nó lên giá dầu.

Tuy giá dầu thô thấp có thể tạm ảnh hưởng đến nguồn thu của OPEC và Nga ở thời điểm hiện tại, tuy nhiên ảnh hưởng của họ lên thị trường năng lượng sẽ tăng lên trong dài hạn khi mà tỷ trọng của hai nước này trong tổng quy mô sản xuất dầu toàn cầu tăng lên.

Theo những tính toán từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), OPEC và Nga có thể chiếm khoảng 58% nguồn cung dầu toàn cầu vào năm 2050, tăng đáng kể so với con số 46,5% vào năm ngoái khi mà nhiều nước khác ví như Mỹ giảm đầu tư vào khai thác và sản xuất dầu bởi các cổ đông của doanh nghiệp yêu cầu phải minh bạch hơn nữa về vấn đề tài chính. Áp lực từ phía các nhà đầu tư liên quan đến việc giảm khí thải carbon và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu vô cùng lớn.

Tuy vậy, công ty dịch vụ tài chính JP Morgan Global Equity Research (Mỹ) vẫn lạc quan về triển vọng của giá dầu với dự báo giá “vàng đen” sẽ vượt 125 USD/thùng vào năm tới và 150 USD/thùng vào năm 2023 do sự thiếu hụt sản lượng dầu của OPEC+.

Tin liên quan

Đọc tiếp