Phấn đấu thu nội địa năm 2024 tăng 5-7% so với năm 2023

KINH TẾ Việt nAM
11:01 - 13/06/2023
Phấn đấu thu nội địa năm 2024 tăng 5-7% so với năm 2023
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024.

Chỉ thị nêu rõ, năm 2024, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương căn cứ yêu cầu, xây dựng báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024. Trên cơ sở tình hình, kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức đánh giá và ước thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý. Thủ tướng yêu cầu nội dung đánh giá phải đầy đủ, thực chất, chính xác các kết quả đạt được.

Thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Trong đó, tập trung làm rõ công tác điều hành, thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Làm rõ công tác điều hành tín dụng, lãi suất, đáp ứng kịp thời vốn cho sản xuất, kinh doanh; tình hình sản xuất công nghiệp; xuất nhập khẩu; thu hút đầu tư xã hội, vốn FDI; thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản…

Phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ...

Về các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu: Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2024, bảo đảm thống nhất với mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương và những định hướng lớn, gồm:

Bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế.

Theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, khu vực, trong nước, kịp thời nhận biết rủi ro để có đối sách phù hợp, điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô khác.

Đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng; phấn đấu thặng dư thương mại bền vững.

Chú trọng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đồng thời, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm thượng tôn pháp luật. Nâng cao chất lượng, hiệu quả một số hoạt động hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và thi hành án; chú trọng công tác trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn. Tiếp tục phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng thương mại điện tử, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn,…

Phấn đấu thu nội địa năm 2024 tăng 5-7%, thu từ xuất nhập khẩu tăng 4-6% so với năm 2023

Chỉ thị cũng nêu rõ nhiệm vụ xây dựng dự toán NSNN năm 2024 và kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2024-2026 cần tập trung vào những nội dung trọng tâm.

Tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về hỗ trợ thuế, phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; tăng, giảm thu ngân sách khi Chính phủ thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với dự toán thu NSNN năm 2024, xây dựng theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời các nguồn thu của NSNN, đi đôi với phân tích, dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước để đánh giá sát khả năng thực hiện thu NSNN năm 2023 cũng như dự toán năm 2024.

Theo đó, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2024 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2023 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách).

Mức tăng trưởng tại từng địa phương phù hợp với tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh tại từng địa bàn trên cơ sở có tính đến cả yếu tố tăng cường quản lý thu, chống thất thu và thu hồi nợ thuế. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2023.

Toàn bộ số thu sắp xếp lại, xử lý tài sản công (trong đó có nhà, đất), số thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng và số thu từ khai thác quỹ đất, mặt nước (sau khi trừ đi các chi phí có liên quan) phải được lập dự toán đầy đủ và thực hiện nộp NSNN theo đúng quy định của pháp luật.

Thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn Nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31/1/2021 của Chính phủ.

Đối với dự toán chi NSNN, xây dựng dự toán chi NSNN năm 2024 đảm bảo các quy định của pháp luật; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên NSNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trong đó, về chi đầu tư phát triển bám sát, cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, ba đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; bố trí đủ vốn để thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước theo quy định của pháp luật (nếu có);

Bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2024, vốn tham gia vào các dự án PPP, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch, nhiệm vụ cấp bù lãi suất, phí quản lý, cấp vốn điều lệ cho ngân hàng chính sách, quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, vốn cho các dự án chuyển tiếp theo tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đọc tiếp