Phát triển kinh tế Đồng bằng sông Hồng còn thiếu tính liên kết vùng

ĐBSH KINH TẾ
07:51 - 27/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Dù có tiềm năng phát triển lớn nhưng Đồng bằng sông Hồng hiện vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh do một số hạn chế về cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, liên kết vùng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế.

Chiều 26/7 tại Nam Định, Hội thảo Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW chủ trì đã đánh giá thực trạng, những thành tựu đạt được; các khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển của vùng, cũng như cơ hội và thách thức trong phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển trong giai đoạn mới.

Gỡ điểm "nghẽn" phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng

Sự phát triển của 11 tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam; quy mô kinh tế của vùng đứng thứ hai trong 6 vùng của cả nước. Dù có tiềm năng phát triển lớn nhưng Đồng bằng sông Hồng chưa khai thác hết tiềm năng do liên kết vùng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế.

Về kết cấu hạ tầng, giao thông vận tải, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Đầu tư Bộ Giao thông Vận tải cho biết, vùng đồng bằng sông Hồng có đầy đủ 5 loại hình giao thông với 8 tuyến cao tốc, chiều dài 496 km (chủ yếu là các các tuyến hướng tâm Thủ đô Hà Nội), 25 tuyến quốc lộ, chiều dài 2.066 km, 6 tuyến đường sắt quốc gia, 37 tuyến đường thủy nội địa, 4 cảng biển, 3 cảng hàng không quốc tế.

Tuy nhiên, đánh giá về cơ sở hạ tầng cho phát triển logistics, PGS.TS Nguyễn Quang Hồng (Học viện Chính trị khu vực I) cho rằng cơ sở hạ tầng vùng Đồng bằng sông Hồng tuy đã được chú trọng phát triển khá tốt so với các vùng, nhưng hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và cảng biển trong vùng vẫn thuộc loại yếu về chất lượng, lạc hậu về công nghệ, đặc biệt là tính kết nối giữa các địa phương và hệ thống vận tải đa phương thức còn rất hạn chế.

Hệ thống cảng biển thiếu cầu bến cho tàu có trọng tải lớn, đặc biệt là các bãi, bến cho tàu container vận hành trên các tuyến biển xa; Hạ tầng sau cảng như: hệ thống điện, nước và kết nối đường giao thông thủy, sắt, bộ và hàng không trong vùng và kết nối với mạng quốc gia... chưa đáp ứng yêu cầu để hệ thống logistics phát triển;

Hệ thống kho bãi, cảng cạn (ICD), trung tâm logistics, sàn giao dịch vận tải và dịch vụ logistics trong Vùng còn nhiều bất cập cả về không gian, công nghệ, tính đồng bộ và liên thông.

Một điểm "nghẽn" nữa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra là liên kết vùng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế. Các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở các dự án hạ tầng do Trung ương đầu tư. Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và kết nối hạ tầng còn chưa được triển khai rộng khắp dù đã có nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết.

Chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng tạo điều kiện cho thúc đẩy liên kết tại vùng Đồng bằng sông Hồng. Tuy nhiên, ngay cả đối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong thời gian qua, công tác liên kết phát triển vẫn chưa có sự chuyển biến lớn. Các địa phương mới tăng cường trao đổi, thảo luận chính sách, cung cấp thông tin cho nhau và đã có những kiến nghị chung gửi lên cấp Trung ương.

Tính liên kết giữa các địa phương trong các hoạt động phát triển trên thực tế còn khá mờ nhạt. Hình thức liên kết mới tập trung ở hội nghị, hội thảo, biên bản ghi nhớ; địa bàn liên kết còn mang tính tự phát giữa 1-2 địa phương, tập trung chủ yếu tại các địa phương có tiềm lực kinh tế; chưa có liên kết ngoại vùng.

Nhằm khắc phục những hạn chế trên, các đại biểu đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển kinh tế biển; phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; liên kết vùng và cơ chế, chính sách tài chính phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng...

"Để phát triển bền vững kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng, trong giai đoạn đến năm 2045, cần tiếp tục xây dựng khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển; Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới; Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần cảng biển quốc tế, trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường Vịnh Bắc Bộ; phát triển chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản ven bờ và xa bờ ở cả Quảng Ninh và Hải Phòng".

TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo

Phát triển kinh tế biển vùng nam Đồng bằng sông Hồng cần được kết nối không gian với trung tâm phát triển kinh tế ở tiểu vùng Hải Phòng - Quảng Ninh và hành lang kinh tế Đông - Tây với các tuyến kinh tế trọng điểm ở Bắc Trung Bộ.

Kết luận hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết ghi nhận và đánh giá cao tham luận, trao đổi, thảo luận của lãnh đạo các Bộ, ngành; lãnh đạo các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Duy Hưng khẳng định, vùng Đồng bằng sông Hồng có vị trí, vai trò đặc biệt về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng đối với cả nước; khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua việc ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW, Bộ Chính trị yêu cầu tổng kết Nghị quyết, trên cơ sở đó, các đại biểu cũng đã đưa ra một số định hướng, giải pháp lớn về phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế biển; phát triển vùng và liên kết vùng; cơ chế, chính sách tài chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng và phát triển thị trường tài chính vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội thảo thống nhất đề nghị Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những chủ trương, định hướng phù hợp bối cảnh, tình hình và giai đoạn phát triển mới.

Tiềm năng kinh tế biển

Vùng biển, ven biển của đồng bằng sông Hồng được đánh giá là vùng tương đối giàu tài nguyên thiên nhiên, đa dạng các hệ sinh thái biển và có giá trị địa chính trị quan trọng ở khu vực.

Không gian biển vùng Đồng bằng sông Hồng hiện nay được khai thác, sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau: Khai thác nguồn lợi hải sản, nuôi trồng thủy, hải sản là những nghề truyền thống và trở thành ngành sản xuất hàng hóa có hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển du lịch biển vùng Đồng bằng sông Hồng với khu vực trọng điểm du lịch quốc gia Quảng Ninh-Hải Phòng luôn chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch nói riêng và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội nói chung.

Giao thông vận tải biển và dịch vụ cảng biển vùng cũng đang phát triển rất nhanh, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Công nghiệp ven biển đang hình thành và phát triển, trong đó loại hình đặc thù liên quan trực tiếp đến các hoạt động kinh tế biển là công nghiệp tàu thủy…

Khác với phần nội địa, không gian kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Hồng có thể đồng thời diễn ra nhiều hoạt động với các mục đích khác nhau, từ quốc phòng, an ninh đến hoạt động phát triển các ngành kinh tế biển và bảo vệ, bảo tồn giá trị tự nhiên, tài nguyên, sinh thái biển.

Tin liên quan

Đọc tiếp