Ảnh minh họa: VGP. |
Phạm vi ranh giới quy hoạch vùng này bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP HCM và 5 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh.
Đông Nam Bộ sẽ trở thành vùng hiện đại, có công nghiệp phát triển
Mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước; là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Đây sẽ là vùng đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại.
Đông Nam Bộ sẽ là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước; trung tâm tài chính quốc tế, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới; có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Châu Á.
GRDP của vùng đến năm 2030 bình quân đạt 8 - 9%/năm
Về kinh tế, Đông Nam Bộ phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 - 9%/năm. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 - 420 triệu đồng, tương đương 14.500 - 16.000 USD.
Tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 41 - 42% trong GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng 45 - 46% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo khoảng 33%); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2 - 3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp 10 - 11%.
Về xã hội, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40 - 45%; tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%.
Đến năm 2050, Đông Nam Bộ có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ
Theo quy hoạch, Đông Nam Bộ sẽ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao; có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm hàng đầu của khu vực và thế giới; có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2031 -2050 đạt khoảng 7,5%/năm, GRDP/người đến năm 2050 đạt khoảng 54.000 USD.
Vùng sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo đột phá nâng cao năng suất dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển một số ngành công nghiệp, dịch vụ hiện đại trở thành các động lực tăng trưởng mới như công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, dịch vụ tài chính (gắn với hình thành trung tâm tài chính quốc tế), logistics.
Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Giải quyết cơ bản tình trạng tắc nghẽn giao thông, ngập úng và ô nhiễm môi trường. Thúc đẩy phát triển đô thị gắn với định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD).
Tập trung phát triển vùng động lực phía Nam trở thành trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, xây dựng đô thị TP HCM hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị, đủ sức cạnh tranh, hội nhập khu vực và quốc tế, có vai trò quan trọng trong mạng lưới đô thị của khu vực.
Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế, trong đó ưu tiên hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Mộc Bài - TP HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu và các vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ gắn với đường vành đai 3, vành đai 4 TP HCM; kết nối hiệu quả các cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế và làm cơ sở để tổ chức lại không gian phát triển vùng.
Tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng để bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng.