Phát triển văn hóa phù hợp với yêu cầu phát triển mới

văn hóa Việt nAM
08:59 - 19/08/2023
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 18/8, Ban Tuyên giáo Trung ương có cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) về kết quả công tác nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực văn hoá.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch phát triển tương đối toàn diện. Các chương trình văn hoá, nghệ thuật phục vụ các sự kiện chính trị, nhu cầu hưởng thụ của nhân dân được tổ chức thực hiện bài bản, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hoá, văn hoá các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm.

Phong trào thể thao quần chúng được thu hút hơn 17 triệu người tham gia tập luyện thể dục thường xuyên. Du lịch nội địa tăng trưởng tích cực, du lịch quốc tế từng bước phục hồi.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Thiếu nguồn lực, cơ chế cho văn hóa phát triển

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu đã chỉ ra những hạn chế trong lĩnh vực văn hoá như: Chậm xây dựng, trình phê duyệt một số chương trình, đề án quan trọng; phát triển du lịch, chưa khai thác hết tiềm năng; kiểm tra, giám sát, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực di sản, hoạt động biểu diễn, tổ chức lễ hội chưa chặt chẽ; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

TS. Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho biết: "Thiếu nguồn lực, thiếu cơ chế nên ngành văn hoá gặp rất nhiều khó khăn trong đào tạo nhân lực, tài năng trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, bảo tồn di sản văn hoá vật thể, phi vật thể".

Trong khi đó, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh kiến nghị trong nửa nhiệm kỳ còn lại, cần tạo dấu ấn về công nghiệp văn hoá, kinh tế thể thao; đưa di sản vào chuỗi giá trị du lịch để người dân sống được bằng di sản…

Để nguồn ngân sách Nhà nước dành cho văn hoá phát huy hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng cần có chương trình tổng thể về văn hoá, trong đó xác định những nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi do nguồn lực Nhà nước đầu tư và lĩnh vực có thể huy động xã hội hoá.

Ngành văn hoá cũng phải chủ động xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, đề xuất thí điểm những quy định chưa có trong luật để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về văn hoá trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam gợi ý cần huy động, phát huy vai trò của các hội văn học, nghệ thuật trong các sự kiện, hoạt động văn hoá, văn nghệ quy mô quốc gia, quốc tế; đào tạo đội ngũ lý luận văn học, nghệ thuật trẻ.

Hoàn thiện Chương trình mục tiêu về chấn hưng, phát triển văn hóa

Để văn hóa thực sự phát triển, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu triển khai những quan điểm mới như: Đặt văn hoá ngang hàng với chính trị, kinh tế; mối quan hệ, vai trò của văn hoá gắn với kinh tế, xã hội; những vấn đề mới đặt ra đối với văn hoá trước xu thế, dòng chính của văn hoá thời đại.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo Bộ VHTT&DL… khẩn trương hoàn thiện Chương trình mục tiêu về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam, trong đó có những việc làm tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành trong quản lý văn hoá, xác định những nhiệm vụ ưu tiên trong gìn giữ, bảo tồn, phục dựng các di sản vật thể, phi vật thể.

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ nghiên cứu lý luận, phê bình văn hoá nghệ thuật; nâng cao khả năng cảm thụ văn hoá, nghệ thuật cho thế hệ trẻ; quan tâm đến những người đang thực hành văn hoá truyền thống để giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống.

Phát triển văn hóa trở thành ngành công nghiệp đóng góp thực chất cho nền kinh tế; xây dựng hệ giá trị văn hoá con người Việt Nam, văn hoá trong Đảng, môi trường văn hoá trong gia đình, nhà trường, công sở,…

Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị trong thời gian tới, Ban cán sự Đảng của Bộ VHTT&DL tập trung nghiên cứu những mục tiêu đặt ra trong Chương trình mục tiêu về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; nghiên cứu sâu hơn nữa văn hoá dân tộc, vùng miền, tôn giáo trong tình hình mới; đẩy mạnh đặt hàng sáng tác, biểu diễn văn hoá, văn nghệ…

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: VGP

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: VGP

Thông qua tổng kết nghị quyết của Trung ương, lựa chọn, đề xuất những nội dung cốt lõi, lĩnh vực trọng điểm cho định hướng phát triển văn hoá tầm nhìn năm 2045. Đồng thời việc thực hiện các chương trình, kế hoạch về văn hoá cần gắn liền với yêu cầu phát triển mới, cũng như các quy hoạch quốc gia, vùng, địa phương.

Tin liên quan

Đọc tiếp