Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Đảm bảo nguồn cung xăng dầu không bị gián đoạn

Xăng Dầu Việt nAM
11:24 - 23/06/2022
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn.
0:00 / 0:00
0:00
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo số 179/TB-VPCP ngày 22/6 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp ngày 13/6 về điều hành giá một số nhóm mặt hàng.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, trước bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu có xu hướng ngày càng gia tăng, nhất là tại khu vực Bắc Mỹ và châu Âu do ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine đã tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu về lương thực, nguyên, nhiên, vật liệu chiến lược. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả, đồng bộ trong quản lý, điều hành để bình ổn giá nhằm kiểm soát lạm phát trong 5 tháng đầu năm, qua đó giúp mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát.

So với cùng kỳ năm 2021, CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 2,25%, lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm tăng 1,1%. Nguyên nhân chủ yếu là do giá các mặt hàng xăng dầu tăng mạnh.

Theo lãnh đạo Chính phủ, trong thời gian tới, áp lực lạm phát có xu hướng tăng, giá nguyên, nhiên vật liệu đặc biệt là mặt hàng xăng dầu có nhiều biến động, tác động đến mặt bằng giá nhiều mặt hàng trong đó có những mặt hàng quan trọng, thiết yếu như xăng dầu, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải và một số nhóm dịch vụ như giáo dục, y tế… đặt ra những thách thức trong công tác quản lý điều hành giá từ nay đến cuối năm gặp nhiều khó khăn.

Điều đó đòi hỏi các bộ, ngành theo chức năng quản lý nhà nước cần tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình, chuẩn bị các phương án, kịch bản dự báo để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 7 tháng còn lại của năm 2022, căn cứ các văn bản thông báo về các giải pháp cụ thể về công tác điều hành giá năm 2022 (văn bản số 882/VPCP-KTTH ngày 10/2/2022, Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 02/3/2022, Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 24/3/2022), Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, sát với tình hình thực tế, có kế hoạch chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng thuộc hệ thống, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để giữ ổn định mặt bằng giá thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Riêng với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ động điều hành để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu.

Bên cạnh đó, cần theo dõi sát diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp, sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trong các kỳ điều hành có biến động lớn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sớm có báo cáo về kế hoạch cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chuyển Bộ Công Thương làm căn cứ xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho Quý III và cuối năm 2022.

Tại kỳ điều điều hành giá xăng dầu gần nhất vào ngày 21/6, giá bán lẻ các mặt hàng xăng trong nước lại tiếp tục ghi nhận xu hướng tăng cao. Trong đó, giá xăng E5 RON 92 đã tăng 185 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 500 đồng/lít. Sau điều chỉnh, giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 31.302 đồng/lít; xăng RON 95 là 32.873 đồng/lít và là mức giá cao kỷ lục của mặt hàng này. Đây đã là đợt tăng thứ 7 liên tiếp và đợt tăng thứ 13 của mặt hàng này trong nửa đầu năm 2022.

Tại kỳ điều hành này, giá các mặt hàng dầu cũng tăng mạnh so với trước đó.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, để ngăn đà tăng "phi mã" của giá xăng dầu, bên cạnh việc giảm thuế bảo vệ môi trường như đề xuất của Bộ Tài chính, việc đảm bảo nguồn cung trong nước đóng vai trò rất quan trọng.

Liên quan đến nguồn cung xăng dầu, tại buổi Họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương hôm 16/6, bà Lê Việt Nga, Vụ phó Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, việc điều hành xăng dầu đã được thực hiện bằng công nghệ số. Theo đó, việc nắm bắt được nguồn cung, cân đối cung cầu, phục vụ người dân trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng được cập nhật nhanh nhất có thể.

Theo bà Nga, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn còn "chập chờn" với mức sản xuất họ có thể tạo ra. Tháng 2 năm nay, Bộ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu. Theo đó, bà Nga khẳng định luôn đảm bảo cân đối, an ninh năng lượng cho nền sản xuất và tiêu dùng người dân.

Cũng tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá vấn đề nguồn cung là quan trọng nhất trong việc kiểm soát đà tăng giá xăng dầu. Ông cho biết Bộ sẽ ưu tiên sử dụng nguồn trong nước, nhưng cần có cam kết rõ ràng từ doanh nghiệp sản xuất. Nếu doanh nghiệp không rõ ràng về mức sản xuất thì bắt buộc phải nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung.

Theo tính toán của Bộ Công Thương, nhu cầu xăng dầu trong nước cả năm nay vào khoảng 20,7 triệu m3, trong đó, nguồn cung trong nước đóng góp khoảng 14,4 triệu m3, còn lại là nhập khẩu.

Trong quý II, nhu cầu xăng dầu cả nước vào khoảng 5,2 triệu m3, trong khi nguồn cung từ cả trong nước và nhập khẩu vào khoảng 6,7 triệu m3. Như vậy, trong quý III, thị trường sẽ có sẵn khoảng 1,5 triệu m3 xăng dầu tồn kho, cùng với nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu theo kế hoạch, nhu cầu xăng dầu quý III và cuối năm có thể được đảm bảo.

Tin liên quan

Đọc tiếp