Quảng Nam: Phát triển Hội An thành thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch. |
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đã trình bày dự thảo nghị quyết, trong đó nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức của TP Hội An trong quá trình phát triển, bảo tồn và sự cần thiết của việc ban hành cơ chế đặc thù đối với thành phố trong thời gian tới.
Mục tiêu dự thảo nghị quyết đặt ra đến năm 2025 xây dựng Hội An có những tiêu chí tương đương của đô thị loại II, trung tâm kinh tế - xã hội lớn của tỉnh, đạt mức dân số tối thiểu là 200.000 người, tối thiểu 65% lao động phi nông nghiệp, đáp ứng tốt hệ thống cảnh quan, đô thị và hạ tầng kỹ thuật.
Hội nghị chuyên đề do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức ngày 6/9. |
Cơ bản hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với vùng đô thị thông minh của tỉnh và mạng lưới đô thị thông minh của cả nước, tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu.
Đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hội An có tính chất là đô thị chuyên ngành cấp quốc gia, mang tính đặc thù về di sản văn hóa, sinh thái, cảnh quan và môi trường, hiện đại và có bản sắc riêng. Trong đó di sản văn hóa thế giới - đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm là hạt nhân lan tỏa để kiên trì thực hiện định hướng xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch.
Xây dựng Hội An giữ vai trò là vùng động lực phát triển về du lịch của tỉnh, trung tâm du lịch của cả nước và mang tầm quốc tế.
Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng cần nghiên cứu thay đổi tên gọi của nghị quyết theo hướng không những "xây dựng" và "phát triển" mà nên đặt vấn đề "bảo tồn" Hội An lên hàng đầu vì bảo tồn được Hội An là điều rất quan trọng. Ngoài ra, thành tố "văn hóa" cũng cần được đặt lên trước tiên, sau đó mới đến "sinh thái" - "du lịch".
Nhiều ý kiến lưu ý Hội An phải giữ và phát huy truyền thống văn hóa - con người, hồn cốt "nhân tình - thuần hậu" của mình. Đây phải là quan điểm xuyên suốt và phải thực hiện cho được chứ không chỉ đơn thuần nằm ở mục tiêu.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đặt vấn đề nên chăng nghị quyết phải được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành chứ không nên dừng ở cấp độ Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xứng tầm với một thành phố văn hóa, di sản thế giới với những yếu tố hết sức đặc thù như Hội An.
Thống nhất với các ý kiến trên, ông Lê Trí Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói thêm rằng ông rất băn khoăn có nên mở rộng đô thị Hội An hay không vì hiện tại không gian Hội An quá chật hẹp trong khi kỳ vọng thì quá lớn.
"Chúng ta tích hợp rất nhiều yếu tố trong một không gian như vậy có những thuận lợi nhưng đặt ra rất nhiều thách thức, khó khăn. Nhiều cái Hội An đưa ra rất hay nhưng triển khai nó trên thực tế trong một phạm vi không gian như vậy là vô cùng phức tạp, có thể dẫn tới xung đột, mâu thuẫn nhau trong quá trình phát triển", ông Lê Trí Thanh nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hiện tại không gian phố cổ đã khá chật hẹp, bức bối. Trong khi, TP Hội An lại nằm bên sông Thu Bồn trũng thấp, đối diện với nhiều mối đe dọa của quá trình biến đổi khí hậu cộng với lượng khách bùng nổ, nên chăng nghiên cứu mở rộng không gian để Hội An có thêm dư địa phát triển.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng, trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét ban hành nghị quyết trong năm 2023.
Ông Phan Việt Cường yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy sớm hoàn thiện đề án, dự thảo nghị quyết, đánh giá mặt được, hạn chế, có nên mở rộng không gian Hội An hay không, đồng thời nghiên cứu nguồn lực tài chính, nguồn thực con người để thực hiện nghị quyết hiệu quả. Trong quá trình xây dựng dự thảo cần tiếp tục tham khảo ý kiến của cộng đồng, tổ chức hội thảo chuyên đề để phân tích, đánh giá một cách toàn diện.