Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Công tác mua sắm vật tư y tế vẫn còn bất cập

Y Tế Đấu thầu
22:16 - 10/10/2022
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong và sau quá trình triển khai thực hiện các công tác, chính sách phòng, chống dịch Covid-19 như đấu thầu, mua sắm thuốc, sinh phẩm y tế và vaccine. 

Chiều 10/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 16 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất - Quốc hội khóa XV.

Công tác phòng dịch Covid-19 hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều hạn chế

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Quyền bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tới nay, Việt Nam dần kiểm soát được dịch bệnh và đạt được kết quả quan trọng nhờ việc áp dụng các cơ chế đặc biệt, đặc thù trong bối cảnh chống dịch Covid-19 và việc ban hành Nghị quyết số 30.

Tuy nhiên, trong quá trình chống dịch Covid-19, hầu hết các trang thiết bị y tế, thuốc, sinh phẩm chẩn đoán, vaccine… đều phải nhập khẩu do chưa sản xuất trong nước được. Hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, đặc biệt tại tuyến cơ sở còn hạn chế. Điều này dẫn đến rất nhiều khó khăn, vướng mắc, làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Dù đã thích ứng linh hoạt, kiểm soát được dịch bệnh, theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện như công tác chỉ đạo điều hành có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động, có lúc nóng vội, chưa kịp thời điều chỉnh khi tình hình thay đổi. Công tác dự báo có lúc chưa sát thực tiễn.

Việc triển khai chiến dịch tiêm chủng một số nơi chưa bảo đảm đầy đủ các chỉ tiêu do Chính phủ yêu cầu. Tại một số nơi, một số thời điểm, người dân tại nhà khó tiếp cận thuốc điều trị Covid-19. Một số địa phương chưa chủ động, kịp thời thực hiện đấu thầu mua sắm thuốc. Một số văn bản chỉ đạo, điều hành chưa sát thực tiễn.

Phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế này, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, có lúc, có nơi sự phối hợp chỉ đạo giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ, kịp thời, còn thiếu nhất quán. Công tác quản lý nhà nước, cơ chế, chính sách và việc quản lý giá, kiểm soát, giám sát, hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm, vaccine còn bất cập.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, thời gian tới, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, cơ chế, chính sách phòng Covid-19; tiếp tục đẩy nhanh Chiến dịch tiêm chủng vaccine, đẩy mạnh thực hiện chính sách an sinh xã hội, quan tâm chăm sóc sức khỏe người dân, giải quyết hiệu quả các vấn đề hậu Covid-19.

Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực đấu thầu, mua sắm thuốc

Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất - Quốc hội khóa XV số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021.

Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ. Ảnh: quochoi.vn

Theo đó, Ủy ban Xã hội cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, đồng thời kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm ưu tiên phân bổ ngân sách cho lĩnh vực xã hội nói chung, cho y tế nói riêng.

Quan tâm giải quyết khó khăn, vướng mắc về thể chế liên quan tới đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, giá dịch vụ y tế và các nội dung khác thuộc lĩnh vực y tế trong quá trình sửa đổi và xây dựng các dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống dịch Covid-19 phù hợp với tình hình chung của thế giới và bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước.

Rà soát các quy định bất cập liên quan đến công tác phòng, chống dịch làm căn cứ hoàn thiện chính sách pháp luật về y tế, an sinh xã hội. Nhất là khắc phục các hạn chế, vướng mắc liên quan đến mua sắm, đấu thầu. Huy động, vận động nguồn lực, tiếp nhận, sử dụng, quản lý, nghiên cứu sản xuất vaccine, thuốc, trang thiết bị y tế để không làm ảnh hưởng đến công tác khám bệnh.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, đảm bảo tốc độ tăng chi y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách địa phương. Khẩn trương rà soát các chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19...

Tin liên quan

Đọc tiếp