SSI: Rủi ro của ngành ngân hàng chưa phản ánh hết vào định giá cổ phiếu

NGÂN HÀNG TRÁI PHIẾU
12:31 - 21/11/2022
MSB là ngân hàng có nợ quá hạn tăng nhiều nhất trong quý 3/2022.
MSB là ngân hàng có nợ quá hạn tăng nhiều nhất trong quý 3/2022.
0:00 / 0:00
0:00
SSI cho rằng rủi ro liên quan đến bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và xu hướng lãi suất tăng cùng với sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế chưa được phản ánh hết vào định giá cổ phiếu ngân hàng. Do đó, nhóm phân tích hạ khuyến nghị đối với ngành này.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng phát hành ngày 21/11, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI nhận định, lợi nhuận ngành ngân hàng trong quý 3/2022 tiếp tục tăng trưởng mạnh nhưng bảng cân đối kế toán yếu đi.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý 3 năm 2022 của nhóm ngân hàng nằm trong phạm vi nghiên cứu duy trì mức tăng trưởng hai con số 54% so với cùng kỳ (so với mức nền so sánh thấp trong quý 3/2021), ngoại trừ OCB (với mức giảm 17,9% so với cùng kỳ) do không còn thu nhập từ giao dịch trái phiếu chính phủ và nợ quá hạn tăng mạnh 53,4% so với quý trước.

Với các ngân hàng còn lại, kết quả kinh doanh theo quý nhìn chung ghi nhận NIM ổn định, thu nhập phí thuần giảm tốc so với quý trước và chi phí dự phòng vẫn trong tầm kiểm soát.

Chất lượng tài sản xấu đi

Tuy nhiên, bảng cân đối kế toán đang có dấu hiệu yếu đi với các chỉ tiêu thanh khoản là tâm điểm chú ý. Trên thị trường 1, chênh lệch giữa số dư huy động vốn và dư nợ đã chuyển sang trạng thái âm kể từ tháng 7 khi tăng trưởng tín dụng (11,4% so với đầu năm) vượt xa đáng kể so với tăng trưởng tiền gửi (4,8% so với đầu năm).

Tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR) theo từng ngân hàng.
Tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR) theo từng ngân hàng.

Thứ hai là chất lượng tín dụng trong quý 3 năm 2022 cho thấy kết quả không khả quan, khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,47%, tăng 20 điểm cơ bản so với đầu năm và 8 điểm cơ bản theo quý, trong khi tỷ lệ dự phòng giảm 164% so với 165% vào cuối quý 2 năm 2022. Các khoản vay nhóm 2 cũng tăng 23 điểm cơ bản lên 1,45%.

STB là ngân hàng duy nhất đi ngược xu hướng, với tất cả các tỷ lệ liên quan đến chất lượng tài sản đều được cải thiện nhờ tiến trình xử lý tài sản tồn đọng. MSBOCB có nợ quá hạn tăng nhiều nhất, lần lượt là 46% và 53% so với quý trước. Nợ xấu nói chung gia tăng một phần là do các khoản nợ tái cơ cấu do Covid đã hết hạn cơ cấu.

Điểm đáng lưu ý là SSI cho rằng tác động từ việc tăng lãi suất cho vay và sự suy yếu gần đây của thị trường bất động sản chưa được phản ánh trong kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong quý 3/2022. Do việc ghi nhận nợ xấu ở Việt Nam chưa phản ánh đầy đủ các tác động có thể xảy ra trong tương lai nên các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tín dụng có thể chưa bị ảnh hưởng mạnh cho đến năm 2023.

“Chúng tôi cũng đã xem xét tình hình tài chính của các công ty niêm yết (không bao gồm các chủ đầu tư bất động sản và các hãng hàng không) và nhận thấy tình hình của các công ty này đang xấu đi sau quý 1 năm 2022. Chúng tôi cho rằng thực trạng này sẽ dần được phản ánh vào chất lượng tín dụng, đặc biệt với diễn biến của lãi suất cho vay”, SSI nhận định.

Theo SSI, tổng số trái phiếu sau khi loại trừ nhóm trái phiếu do ngân hàng phát hành hiện đang lưu hành là khoảng 945.000 tỷ đồng, trong đó 27% sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024, và 12% sẽ đáo hạn vào năm 2025. Gần 1/3 số trái phiếu này nằm trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng.

Dư nợ trái phiếu tại các tổ chức tín dụng.
Dư nợ trái phiếu tại các tổ chức tín dụng.

Nhiều chủ đầu tư bất động sản đang phải đối mặt với khó khăn với lượng hàng tồn kho tăng lên, doanh số bán hàng giảm và chịu áp lực đáng kể về dòng tiền ngắn hạn khi một số trái phiếu sắp đến ngày đáo hạn, đặc biệt là trong giai đoạn từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 3 năm 2023.

Do đó, SSI dự báo làn sóng giảm giá bất động sản sẽ có thể còn tiếp tục đến cuối năm, với mức giảm có thể từ 10-20% hoặc thậm chí cao hơn. Đối với những người mua đầu cơ chưa thể bán lại bất động sản để tất toán khoản vay, tỷ lệ nợ quá hạn đối với các khoản vay mua nhà có thể tăng trong thời gian tới. Tổng dư nợ toàn bộ các khoản cho vay mua nhà tại các ngân hàng SSI phân tích ở mức khoảng 1,3 triệu tỷ đồng.

SSI duy trì quan điểm rằng các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới, trừ khi có các quy định đặc biệt về phân loại nợ/trích lập dự phòng cho các khoản vay/trái phiếu đáo hạn vào năm 2023 được thực hiện, nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là những áp lực tương đối lớn.

Chiết khấu những rủi ro liên quan đến bất động sản

SSI điều chỉnh lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2023 thành 231.000 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ, giảm từ mức tăng 17% so với cùng kỳ trong báo cáo trước đây). Các ngân hàng có tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất bao gồm ba ngân hàng quốc doanh, STBACB.

Trong kịch bản cơ sở, SSI giả định rằng các ngân hàng sẽ gia hạn/cho phép cơ cấu lại các khoản vay/trái phiếu được phát hành bởi các chủ đầu tư bất động sản lớn và duy trì phân loại khoản vay hiện tại của những chủ đầu tư này cho đến năm 2023. Các khoản vay bị chuyển sang nhóm nợ cao hơn sẽ bao gồm các khoản vay của các chủ đầu tư bất động sản quy mô nhỏ hơn và chưa niêm yết trên thị trường.

Tuy nhiên, do khả năng hồi phục sau thời gian được cơ cấu/gia hạn nợ cũng chưa rõ ràng, nhóm phân tích vẫn tiến hành chiết khấu những rủi ro liên quan đến bất động sản đối với giá trị sổ sách của các ngân hàng.

Định giá của một số ngân hàng trong quá khứ.
Định giá của một số ngân hàng trong quá khứ.

“Chúng tôi điều chỉnh giảm ước tính tăng trưởng tín dụng xuống 13,3% (từ 14,3%) đối với các ngân hàng mà chúng tôi phân tích. Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, ít nhất là trong nửa đầu năm 2023. Do đó, NHNN có thể tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong thời gian tới. Tín dụng cấp cho lĩnh vực bất động sản có thể vẫn sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ.

Hoạt động cho vay mua nhà cũng sẽ giảm tốc do nguồn cung nhà ở mới hạn chế và lãi suất cho vay mua nhà không còn ở mức hấp dẫn. Trong khi đó, xuất khẩu được dự đoán sẽ giảm tốc từ quý 4 năm 2022. Những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác bao gồm: VCB, MBB, HDB và VPB”, báo cáo của SSI nêu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.