'Taper tantrum' ít tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
10:48 - 20/01/2022
'Taper tantrum' ít tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia của VN-Direct, kế hoạch "taper tantrum" giảm kích thích kinh tế của Mỹ sẽ tác động vừa phải đến chứng khoán Việt Nam 2022, do thị trường đã có sự chuẩn bị từ trước khi khối ngoại đã liên tục bán ròng trong hai năm trở lại đây.

Báo cáo vĩ mô mới công bố của VN-Direct cho hay, việc bình thường hóa chính sách tiền tệ của một số ngân hàng trung ương như FED và ECB không nên được coi là thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu. Do vậy, VN-Direct tin rằng, bối cảnh trên thị trường tài chính toàn cầu vào năm 2022 sẽ vẫn thuận lợi hơn so với thời kỳ trước đại dịch. Việc cắt giảm các gói nới lỏng định lượng của FED sẽ không tác động lớn đến chính sách tiền tệ cũng như thị trường tài chính của Việt Nam.

Về chính sách tiền tệ, theo báo cáo, NHNN sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ít nhất đến hết quý 2/2022 để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Bất kỳ hành động thắt chặt tiền tệ nào sẽ chỉ diễn ra sớm nhất là trong nửa cuối năm 2022 và mức độ tăng lãi suất (nếu có) sẽ rất hạn chế, chỉ ở mức 0,25-0,5%

Liên quan đến thị trường tài chính, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) có thể tiếp tục bị hút ròng trong nửa đầu năm 2022 do ảnh hưởng của "taper tantrum". Tuy nhiên, việc khối ngoại đã liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm trở lại đây khiến tác động của việc khối ngoại bán ròng sẽ ở mức vừa phải, do thị trường đã có sự chuẩn bị từ trước

'Taper tantrum' là cụm từ mà các quan chức FED và nhiều người sử dụng để miêu tả kế hoạch "rút chân ga" khỏi "cỗ máy kích thích kinh tế" bằng cách giảm lượng trái phiếu mà FED mua vào một cách từ từ và trong quãng thời gian dài. Họ hi vọng làm như vậy thì nền kinh tế sẽ dần "cai" được các biện pháp kinh tế mà không rơi vào tình trạng "hạ cánh cứng".

Về tỷ giá hối đoái đồng VND, việc cắt giảm các gói nới lỏng định lượng sắp tới có thể ít ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài (đặc biệt là FDI) vào Việt Nam trong năm 2022. Bên cạnh đó, đồng VND cũng được hỗ trợ mạnh bởi thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối tăng trong năm 2022.

Do đó, VN-Direct kết luận, việc các ngân hàng trung ương như FED và ECB cắt giảm các gói nới lỏng định lượng sẽ ít tác động đến tỷ giá hối đoái đồng VND. Do các yếu tố hỗ trợ cho đồng VND ổn định trong những năm gần đây vẫn được duy trì, bao gồm thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối cao hơn.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng thặng dư cán cân thanh toán sẽ tăng lên 2,0% GDP vào năm 2022 từ mức thâm hụt dự kiến là 0,3% GDP trong năm 2021. Và dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ đạt 122,5 tỷ USD vào cuối năm 2022 từ mức hiện tại là 105 tỷ USD. Do đó, chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND sẽ ổn định trong vùng 22.600-23.050 trong năm 2022.

Ngoài ra, VN-Direct cũng dự báo GDP năm 2022 tăng 7,5% so với cùng kỳ, được thúc đẩy bởi 4 động lực chính: hoạt động sản xuất và xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng; FDI vẫn là điểm sáng trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh; và cầu nội địa phục hồi nhờ gói kích thích kinh tế sắp triển khai.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra, rủi ro vĩ mô lớn nhất là áp lực lạm phát gia tăng do cả 2 yếu tố chi phí đẩy và cầu kéo trong năm 2022. Các rủi ro khác bao gồm sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng đến xuất khẩu và khả năng xuất hiện của các biến thể mới.

Tính chung lại từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam (từ đầu năm 2020), tổng lượng bán ròng của khối ngoại đã đạt ngưỡng 81.152 tỷ đồng, tương đương hơn 3,5 tỷ USD bị rút ra khỏi thị trường.

Thị trường chứng khoán đã kết thúc năm 2021 thăng hoa bằng việc tất cả chỉ số của ba sàn đều tăng so với cuối 2020. Cụ thể, VN-Index tăng 394,41 điểm tương ứng 35,7% lên 1.488,88 điểm. Tích cực hơn, HNX tăng 133,3% lên 473,99 điểm trong khi UPCoM-Index tăng 51,3% lên 112,68 điểm.

Cụ thể, giao dịch khối ngoại trong năm 2021 ghi nhận giá trị bán ròng 62.358 tỷ đồng, trong đó bán ròng 74.313 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh, còn họ mua ròng 11.955 tỷ đồng qua thoả thuận, phần nào thu hẹp đà bán ròng chung.

Đây là con số kỷ lục của khối ngoại bán ròng, cao hơn số bán ròng của khối ngoại trong cả năm 2020 (18.794 tỷ đồng), thậm chí còn gấp tới 2,5 lần tổng lượng khối ngoại "xả" trong hai năm duy nhất bán ròng trong thập kỉ qua là 2016 và 2020 cộng lại. Tính chung lại từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam (từ đầu năm 2020), tổng lượng bán ròng của khối nhà đầu tư ngoại đã đạt ngưỡng 81.152 tỷ đồng, tương đương hơn 3,5 tỷ USD bị rút ra khỏi thị trường.


Tin liên quan

Đọc tiếp