Thống đốc NHNN: Nợ xấu tại nhiều lĩnh vực vẫn tiềm ẩn rủi ro

QUỐC HỘI Việt nAM
13:26 - 24/05/2022
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày trước Quốc hội
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày trước Quốc hội
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước trình Quốc hội sáng 24/5, hai nhóm ngành chiếm tỷ lệ nợ xấu cao nhất là bất động sản và chứng khoán. Nợ xấu bất động sản hiện chiếm 18,4% toàn hệ thống và lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm 19,57%.

Tại Quốc hội sáng 24/5, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng thời gian qua đã được xử lý, kiểm soát.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2% và liên tục giảm trong các năm triển khai Nghị quyết 42 (tính đến cuối các năm 2017, 2018, 2019, 2020 lần lượt là 1,99%, 1,94%, 1,63% và 1,69%).

Tuy nhiên, tổng nợ xấu tại nhiều lĩnh vực vẫn tiềm ẩn rủi ro. Theo báo cáo của NHNN, luỹ kế đến 31/12/2021, tổng nợ xấu nội bảng là 190,48 nghìn tỉ đồng.

Đến cuối năm 2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2.076,7 nghìn tỉ đồng (bao gồm dư nợ tín dụng tiêu dùng để mua nhà ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở), chiếm 19,89% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.

Tính đến 31/12/2021, nợ xấu tại lĩnh vực bất động sản là 34,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,4% nợ xấu toàn hệ thống. Trong số này, nợ xấu đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản là 13,24 nghìn tỷ đồng, nợ xấu đối với nhu cầu mua nhà ở hoặc tự sử dụng là 21,47 nghìn tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực tiêu dùng, dư nợ tín dụng là 2.081 nghìn tỷ đồng, chiếm 19,9% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu cho vay tiêu dùng là 48,65 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,8% nợ xấu toàn hệ thống. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 2,34%.

lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán, tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng cấp cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu là 10,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,1% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu là 2.140,5 tỷ đồng, chiếm 1,13% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 19,57%.

Tổng dư nợ tín dụng cung cấp cho khách hàng của hệ thống các tổ chức tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu là 892,5 tỷ đồng, chiếm 0,01% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu là 28,2 tỷ đồng, chiếm 0,01% nợ xấu toàn hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 2,87%.

Theo báo cáo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017-2021 các tổ chức tín dụng đã xử lý được 750,1 nghìn tỷ đồng nợ xấu (riêng năm 2021 xử lý được 151,9 nghìn tỷ đồng). Trong đó sử dụng dự phòng rủi ro (352,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 47%), khách hàng trả nợ (220,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,4%), bán nợ cho VAMC (114,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,2%) và các hình thức xử lý nợ xấu khác (63,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,4%).

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng chia sẻ về những khó khăn, trong đó trên thực tế, việc hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của tòa án để áp dụng thủ tục rút gọn gặp nhiều trở ngại do khi xảy ra nợ xấu, đa phần khách hàng trốn tránh, không hợp tác với tổ chức tín dụng để phối hợp xử lý, nên cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện…

Triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng liệt kê hàng loạt những khó khăn chung như nền kinh tế thế giới giai đoạn 2021-2025 được dự báo diễn biến khó lường, áp lực lạm phát gia tăng, tình hình căng thẳng Nga-Ukraine, dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng và tác động tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, không trả được nợ ngân hàng, vì vậy nợ xấu có xu hướng tăng.

Qua đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng sẽ triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát nợ xấu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, BOT, BT giao thông...

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát sau cho vay; rà soát, chấn chỉnh, thực hiện nghiêm các quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay, đặc biệt là các quy định về việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân.

Đồng thời, thực hiện giải ngân theo đúng quy định của pháp luật, thỏa thuận cấp tín dụng và quy định nội bộ của tổ chức tín dụng; giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích vay vốn của khách hàng, xác định sớm các dấu hiệu bất thường về khả năng thực hiện các nghĩa vụ trả nợ của khách hàng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, quy định nội bộ trong hoạt động cấp tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động tín dụng, đặc biệt là hoạt động cấp tín dụng, ngăn chặn, xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cổ đông/nhóm cổ đông lớn chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tin liên quan

Đọc tiếp