Thu hút nhân tài cho Thủ đô: Không thể chỉ đưa ra ưu đãi rồi ngồi chờ họ đến

Luật thủ đô QUỐC HỘI
15:11 - 27/11/2023
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ. Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00

Thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), vấn đề cần có cơ chế chính sách để tìm kiếm, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được nhiều đại biểu quan tâm.

Ngày 27/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Thảo luận về quy định trong dự thảo Luật đối với việc thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng - Đoàn ĐBQH TP Cần Thơ cho rằng đây là một nội dung hết sức quan trọng, nếu làm tốt sẽ giúp Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn, đột phá hơn.

Thực tế kinh nghiệm các nước cho thấy, với những nước vượt qua bẫy thu nhập trung bình thành công, trở thành các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... thì rất ít dựa vào tài nguyên, chủ yếu dựa vào thu hút nhân tài để bứt phá và phát triển.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài tại Điều 17 còn chưa rõ, chưa đầy đủ, cần hoàn thiện hơn để việc triển khai được khả thi.

Đại biểu dẫn chứng giai đoạn 2013-2022, Hà Nội chỉ thu hút được 55 nhân tài là thủ khoa các trường đại học. Còn với TP HCM - địa phương có rất nhiều chính sách thu hút nhân tài thì giai đoạn 2018-2022 chỉ thu hút được 5 nhân tài.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, thực tiễn cho thấy, không thể chỉ đưa ra một số ưu đãi, chờ người tài đến với mình mà phải chủ động tìm kiếm, phát hiện, từ đó lôi kéo để thu hút họ.

“Chính phủ, nhiều quốc gia, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các cơ sở nghiên cứu... đã chủ động tìm kiếm, phát hiện nhân tài từ rất sớm, ngay từ khi họ còn là học sinh, sinh viên đã sẵn sàng hỗ trợ kinh phí học tập, trả lương, ký cam kết tuyển dụng từ trước khi ra trường”, đại biểu nói.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chỉ thu hút và trọng dụng nhân tài là chưa đủ mà cần phải có chính sách tìm kiếm và phát hiện nhân tài. Đồng thời, cần làm rõ hơn khái niệm “nhân tài”.

"Theo tôi, nhân tài không hẳn là người thông minh nhất, có nhiều bằng cấp nhất và học vị cao nhất, mà là người phù hợp nhất với công việc, đạt được kết quả cao nhất với nhiệm vụ được giao, có tầm nhìn phát triển trong tương lai...", đại biểu Hùng nói.

Đáng lưu ý, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị cần có một chương riêng về nội dung này với tên gọi “Đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Ngoài ra, cần nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách về phát hiện sớm nhân tài, từ đó có lộ trình hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng vào những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm cả khu vực công và khu vực quan trọng khác.

Bên cạnh đó, cần bổ sung cơ chế chính sách về xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, tạo mọi điều kiện để người tài phát triển, cống hiến. Qua đó thực hiện bằng được phương chấm “4 không” là không được, không thể, không muốn và không dám tham nhũng.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Cũng quan tâm đến nội dung này, đạibiểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, để cụ thể hóa yêu cầu tại Nghị quyết số 15, Điều 17 của dự luật đã thiết kế một điều khoản về thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thủ đô.

Theo đại biểu, đây là nội dung quan trọng, tạo ra "cú hích" trong cơ chế thu hút, trọng dụng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao cho thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, để quy định có tính khả thi hơn, đại biểu cho rằng cần trao quyền cho HĐND thành phố ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn với các đối tượng cần thu hút, có sự phân loại các đối tượng một cách rõ ràng, để có quy định về chế độ, chính sách cho phù hợp trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ, để thu hút, giữ chân được người tài đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.

Bên cạnh đó, đại biểu Dương Khắc Mai nhận xét, quy định đẩy mạnh phân quyền cho chính quyền thành phố trong quyết định một số nội dung thuộc tổ chức bộ máy, biên chế là một bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề cho thành phố thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù trong dự thảo.

Việc phân quyền cho HĐND thành phố được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã, tạo sự chủ động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu kịp thời trong công tác quản lý Nhà nước hiện nay.

Dẫu vậy, đại biểu cho rằng cũng cần nghiên cứu quy định thêm một số điều kiện, yêu cầu đặt ra để đảm bảo sự thận trọng, chặt chẽ hơn đối với việc thành lập các cơ quan mới này.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.