Thủ tướng hội kiến lãnh đạo các quốc gia bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN

Việt nAM asean
15:42 - 13/11/2022
 Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cùng chụp ảnh trước Logo kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cùng chụp ảnh trước Logo kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Trong 2 ngày 12 - 13/11, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40 - 41 tại Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Singapore, Thủ tướng Australia, Thủ tướng Canada...

Nhật Bản sẽ mở cửa cho quả nhãn Việt Nam trong tháng 11

Sáng 13/11, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, hai Thủ tướng nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn, tăng cường quan hệ hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa hai nước; phối hợp tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm 2023.

Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, sớm triển khai cung cấp ODA thế hệ mới; hợp tác ứng phó chống biến đổi khí hậu, tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận với khoản hỗ trợ 10 tỷ USD mà Thủ tướng Kishida đã cam kết tại Hội nghị COP 26, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh tiền tệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Chính phủ Nhật Bản có chính sách hỗ trợ cộng đồng hơn 400.000 người Việt Nam, trong đó có nhiều tu nghiệp sinh Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Nhật Bản; hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề; tạo thuận lợi hơn trong việc cấp visa cho công dân Việt Nam.

Thủ tướng Kishida khẳng định Việt Nam có vị trí quan trọng hàng đầu trong triển khai chính sách đối ngoại của Nhật Bản với khu vực; khẳng định Nhật Bản mong muốn làm sôi động lại hợp tác ODA với Việt Nam, sẽ thúc đẩy để sớm triển khai khoản vay ODA thế hệ mới, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi xanh.

Thủ tướng Nhật Bản nhất trí phối hợp chặt chẽ để thúc đẩy xuất khẩu nông sản của cả hai nước và thông báo Nhật Bản sẽ chính thức công bố việc mở cửa thị trường cho quả nhãn Việt Nam trong tháng 11.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí chỉ đạo các cơ quan liên quan trao đổi và thúc đẩy tiến độ một số dự án quan trọng như dự án Trường Đại học Việt - Nhật, dự án Bệnh viện Chợ Rẫy cơ sở 2, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM, dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Tại cuộc gặp, hai Thủ tướng cũng trao đổi về vấn đề Biển Đông và một số vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, nhất trí phối hợp chặt chẽ trong các cơ chế hợp tác đa phương như ASEAN, tiểu vùng Mekong, Liên hợp quốc và các hoạt động dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - ASEAN.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: VGP

Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Mỹ đi vào chiều sâu, hiệu quả

Tại cuộc trao đối giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai nhà lãnh đạo khẳng định coi trọng và dành ưu tiên cao cho quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước; nhất trí tăng cường trao đổi, đối thoại ở tất cả các cấp, đặc biệt là cấp cao, bằng nhiều hình thức linh hoạt.

Trước mắt, hai bên sẽ phối hợp chuẩn bị tốt cho điện đàm sắp tới giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden, và tiến tới thực hiện chuyến thăm cấp cao giữa hai bên vào thời điểm thích hợp và điều kiện cho phép.

Tổng thống Joe Biden đề nghị hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ trong thời gian tới, tận dụng hiệu quả các dư địa hợp tác nhằm đưa quan hệ giữa 2 nước đi vào chiều sâu, hiệu quả, nhất là trên những lĩnh vực hai bên cùng có lợi, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: VGP

Thủ tướng đề nghị Singapore tiếp tục nhân rộng mô hình VSIP tại Việt Nam

Tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, hai Thủ tướng nhất trí triển khai hiệu quả các Bản ghi nhớ đã đạt được trong các chuyến thăm cấp cao trong năm 2022 trên các lĩnh vực kinh tế số, môi trường, năng lượng. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng khuôn khổ "Quan hệ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh"giữa hai nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Singapore hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số.

Đánh giá cao những thành công và đóng góp thiết thực của các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) đối với phát triển của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Singapore nhân rộng mô hình Khu Công nghiệp VSIP; mong muốn các doanh nghiệp Singapore tích hợp công nghệ 4.0, tính xanh và bền vững trong các dự án đầu tư tại Việt Nam trong tương lai.

Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ hơn nữa tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhất là tại ASEAN và Liên Hợp Quốc, đóng góp vào việc củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như duy trì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese. Ảnh: VGP

Australia là đối tác chiến lược hàng đầu của Việt Nam trong khu vực

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Australia là đối tác chiến lược hàng đầu của Việt Nam tại khu vực, và cảm ơn Chính phủ Australia tăng ODA cho Việt Nam thêm 18% cho năm tài khóa 2022-2023; đánh giá đây là sự hỗ trợ thiết thực và cụ thể mà Australia dành cho Việt Nam. Đồng thời cảm ơn Australia đã hỗ trợ vaccine trong thời gian dịch bệnh.

Thủ tướng Anthony Albanese khẳng định Australia rất coi trọng việc tăng cường quan hệ với Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục - đào tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, dịch vụ y tế, hợp tác quốc phòng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao và các cấp; tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt Nam - Australia nhằm mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng xuất khẩu của hai nước, nhất là nông sản; nỗ lực phối hợp trong vấn đề IUU (chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định); tăng cường trao đổi kinh nghiệm về điều hành kinh tế vĩ mô; đưa hợp tác an ninh, quốc phòng đi vào chiều sâu; thúc đẩy các sáng kiến chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, hợp tác giáo dục và tăng thêm học bổng cho Việt Nam...

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: VGP

Đề nghị Canada hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Trong cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Canada Justin Trudeau, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Canada ngày càng phát triển mạnh mẽ, khẳng định mong muốn đưa quan hệ ASEAN - Canada ngày càng gắn kết.

Bên cạnh hợp tác về kinh tế - thương mại - đầu tư và giáo dục - đào tạo, hai nhà lãnh đạo nhất trí cần thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy bình đẳng giới; xử lý các thách thức toàn cầu như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh mạng…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Canada hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ, quản trị, hoàn thiện thể chế và nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng cũng khẳng định hoan nghênh các doanh nghiệp Canada đầu tư vào Việt Nam; mong muốn Canada mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông - thủy sản và cấp thêm nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam. Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ Canada quan tâm giúp đỡ hơn 240.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại Canada.

Thủ tướng Justin Trudeau nhất trí với những đề xuất nêu trên và cho biết Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Canada sắp công bố sẽ bao gồm nhiều lĩnh vực vốn là quan tâm chung của hai nước như đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, công nghệ xanh, công nghệ sạch, công nghệ số, đào tạo nguồn nhân lực. Thủ tướng Canada hy vọng Chiến lược sẽ mở ra nhiều cơ hội mới tăng cường hơn nữa hợp tác giữa Canada với ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng thống Ấn Độ Jagdeep Dhankhar. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng thống Ấn Độ Jagdeep Dhankhar. Ảnh: VGP

Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chính sách Hướng Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ

Tại cuộc gặp Phó Tổng thống Ấn Độ Jagdeep Dhankhar, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ có nền tảng là 50 năm quan hệ hữu nghị vững chắc để phát triển hơn nữa.

Bàn về phương hướng hợp tác thời gian tới, hai lãnh đạo nhất trí duy trì các hoạt động tiếp xúc, trao đổi cấp cao và các cấp, giao lưu nhân dân, trên tất cả các kênh. Tích cực triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết, trong đó có Tuyên bố tầm nhìn chung về hòa bình, thịnh vượng và người dân, cũng như Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giai đoạn 2021 - 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, đề nghị Ấn Độ mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nông sản.

Cùng với đó, hoan nghênh doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư trong lĩnh vực như công nghệ thông tin, dược phẩm, giáo dục đào tạo, nông nghiệp, năng lượng; tăng cường hợp tác du lịch, vận tải hàng không và giao lưu nhân dân.

Hai bên nhất trí tăng cường khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, hợp tác biển, phát triển bền vững, năng lượng, bảo đảm chuỗi cung ứng bền vững; tận dụng hiệu quả Hiệp định về thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AIFTA).

Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực và trên các vấn đề hai bên cùng quan tâm, trong đó có việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không.

Phó Tổng thống Ấn Độ khẳng định Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chính sách Hướng Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ. Nhất trí với đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc hai nước tổ chức cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ về Hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ vào đầu năm sau để rà soát những tiến triển trong hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực.

Tin liên quan

Đọc tiếp