Tinh bột sắn là mặt hàng sắn xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc

Sắn XUẤT KHẨU
11:42 - 28/07/2023
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Nửa đầu năm 2023, sắn lát khô và tinh bột sắn là hai mặt hàng sắn Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam, riêng tinh bột sắn chiếm 62% lượng xuất khẩu. 

Nửa đầu tháng 7/2023, Việt Nam xuất khẩu 87.913 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, đạt 41,9 triệu USD, tăng 7,5% về lượng và 14,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 20.320 tấn sắn, đạt 5,5 triệu USD, tăng lần lượt 39,5% và 36,4%.

Lũy kế từ đầu năm đến 15/7/2023, Việt Nam xuất khẩu 1,5 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, đạt 635 triệu USD, giảm 12% về lượng và giảm 19% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, sắn xuất khẩu ghi nhận tăng 8,9% về lượng và 4,7% về trị giá, đạt lần lượt 602.586 tấn và 168,6 triệu USD, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn chiếm khoảng 70% tổng sản lượng sắn thu hoạch của Việt Nam. Đến hiện tại, lượng tồn kho sắn vụ cũ tại Việt Nam vẫn khan hiếm, hàng vụ mới lại chưa có nhiều.

Giá tinh bột sắn của Việt Nam xuất khẩu qua đường biển và qua cửa khẩu biên giới được thiết lập ở mức cao do sự khan hiếm nguồn cung giao hàng ngày. Giá tinh bột sắn xuất khẩu bằng đường biển sang Trung Quốc hiện dao động khoảng 540 – 547 USD/tấn, theo giá FOB với nguồn hàng từ Tây Ninh.

Do giá mía và giá ngô cao nên năm nay. Sản lượng sắn tại Đăk Lăk dự kiến sẽ giảm khoảng 5-10% so với năm trước.

Đánh giá về năng lực của ngành sắn tại Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, mặc dù là nước xuất khẩu sắn lớn thứ 3 thế giới nhưng Việt Nam mới chỉ có 27 tỉnh có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế 11,3 triệu tấn củ tươi/năm. Trong đó, có khoảng 26% số cơ sở có gắn kết chặt với vùng nguyên liệu.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, để nâng cao sức cạnh tranh, nhiều chuyên gia cho rằng cần đầu tư nâng cao chất lượng sắn xuất khẩu sang các thị trường.

Về thị trường, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này sang 7 thị trường. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất với 1,34 triệu tấn, đạt 522 triệu USD, chiếm lần lượt 89,43% về lượng và 88,04% về trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam.

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc có xu hướng tăng kể từ tháng 3/2023 đến nay. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm sắn sang thị trường này lại giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022, ở mức 389,3 USD/tấn.

Giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn 2021 - 2023 (ĐVT: USD/tấn). Ảnh: Cục Xuất nhập khẩu
Giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc giai đoạn 2021 - 2023 (ĐVT: USD/tấn). Ảnh: Cục Xuất nhập khẩu

Các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc nửa đầu năm 2023 là tinh bột sắn và sắn lát khô. Trong khi tinh bột sắn xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục giảm thì xuất khẩu sắn lát vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Tại thị trường Trung Quốc, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh từ các đối thủ là Thái Lan, Lào và Campuchia. Trong ngắn hạn, theo Cục Xuất nhập khẩu, doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh với doanh nghiệp Thái Lan. Dù vậy, Việt Nam có thể giữ vững và mở rộng thị phần tại Trung Quốc trong tương lai nếu nâng cao chất lượng cùng với các ưu thế về địa lý và là bạn hàng quen thuộc của Trung Quốc.

Tin liên quan

Đọc tiếp