TP HCM sẽ có 22 tuyến phố đi bộ ở khu vực trung tâm

QUY HOẠCH Tp hcm
09:15 - 19/07/2022
TP HCM sẽ mở rộng phố đi bộ ở 22 tuyến đường trung tâm. Nguồn: PLO.
TP HCM sẽ mở rộng phố đi bộ ở 22 tuyến đường trung tâm. Nguồn: PLO.
0:00 / 0:00
0:00
Sở Giao thông Vận tải TP HCM vừa có tờ trình gửi UBND thành phố về đề án phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố. Đề án cũng xây dựng các tiêu chí để cơ quan quản lý xem xét chấp thuận chủ trương khi có đề xuất mở phố đi bộ.

Theo tờ trình đề án phố đi bộ khu vực trung tâm TP HCM, lực lượng chức năng sẽ tổ chức thực hiện các tuyến phố đi bộ tại khu vực trung tâm thành phố trong giai đoạn 2022 - 2025. Quy mô tổ chức thực hiện các tuyến phố đi bộ tại khu vực trung tâm thành phố là 930 ha, với 22 tuyến đường.

Kế hoạch này sẽ đưa ra phương án xây dựng kế hoạch phát triển, cải tạo các tuyến phố đi bộ với nội dung cụ thể. Trong đó các tuyến đường này sẽ thực hiện: Cải tạo nút giao, hè phố cho người đi bộ; tổ chức phân luồng, phân làn giao thông; Tăng cường kết nối với mạng lưới giao thông công cộng, giao thông phi cơ giới, bãi đỗ xe cá nhân; Cải thiện cảnh quan, chiếu sáng, trang trí đường phố,...

Bên cạnh đó, phố đi bộ còn được cung cấp tiện ích thông tin; Định hướng tổ chức các sự kiện nhằm tăng tính hấp dẫn trên đường phố đi bộ; Xây dựng Cơ chế phối hợp triển khai đầu tư cải tạo và quản lý, khai thác vận hành.

Lộ trình mở các tuyến phố đi bộ tại khu vực trung tâm thành phố vào các ngày cuối tuần từ 2022 - 2025 bao gồm ba giai đoạn:

Giai đoạn 1 (2022 - 2023), cấm các loại xe qua lại khi phố đi bộ được mở ở vòng xoay Công trường Quốc Tế, đường Phạm Ngọc Thạch, Công Xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Du), Đồng Khởi (từ đường Nguyễn Du đến Lê Lợi), Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang), Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu.

Đường Nguyễn An Ninh, Lưu Văn Lang ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe đi lại.

Giai đoạn 2 (2023 - 2024), TP HCM mở rộng phạm vi phố đi bộ ngày cuối tuần trên đường Đồng Khởi (từ đường Lê Lợi đến Tôn Đức Thắng), Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Công trường Lam Sơn (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Nguyễn Thiệp (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Mạc Thị Bưởi (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi), Ngô Đức Kế (từ Nguyễn Huệ đến Đồng Khởi).

Đồng thời, thành phố ưu tiên đi bộ, hạn chế xe qua lại đối với các tuyến đường Đông Du (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Mạc Thị Bưởi (từ Đồng Khởi đến Hai Bà Trưng), Hồ Huấn Nghiệp, Ngô Đức Kế (Đồng Khởi đến Công trường Mê Linh), Phan Văn Đạt, Tôn Đức Thắng (từ Nguyễn Huệ đến Công trường Mê Linh.

Giai đoạn 3 (2024 - 2025), mở rộng phạm vi tuyến phố đi bộ vào cuối tuần đối với đường Hàm Nghi (từ Tôn Đức Thắng đến vòng xoay Quách Thị Trang). Đường Tôn Thất Đạm (từ Hàm Nghi đến Huỳnh Thúc Kháng), Thái Văn Lung, Thi Sách, ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe.

Đề án cũng xây dựng 5 tiêu chí để xem xét, quyết định triển khai khi có đề xuất mở phố đi bộ thời gian tới. Các tiêu chí này gồm an toàn, an ninh; hấp dẫn; mức độ tiếp cận, nhu cầu; tính kết nối; và khảo sát sự ủng hộ của cộng đồng.

Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố, việc nghiên cứu đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố là rất cần thiết nhằm nghiên cứu toàn diện về các tiêu chí, thiết kế, kế hoạch các giai đoạn thực hiện để có lộ trình triển khai các tuyến phố đi bộ chất lượng.

Mở rộng tuyến phố đi bộ cũng hướng tới mục tiêu lâu dài của TP HCM là giảm lượng xe ô tô đi vào khu trung tâm, cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân. Đồng thời, góp phần nâng cao tính hấp dẫn, thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ ở khu vực trung tâm - nơi có nhiều di tích lịch sử, công trình kiến trúc, văn hóa đặc sắc.

Trong đề án quy hoạch chi tiết 930 ha khu trung tâm thành phố và quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định các tuyến Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng, Lê Lợi, Đồng Khởi... trở thành phố đi bộ.

Bên cạnh đó, các quận 3, 10, 11... cũng đề xuất điều chỉnh giao thông trên nhiều tuyến đường để tổ chức phố đi bộ. Tuy nhiên, các phương án còn định tính, chưa rõ tiêu chí cũng như tác động giao thông, kinh tế, môi trường ra sao.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.