Trình Chính phủ ban hành chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo

Lúa gạo XUẤT KHẨU
20:29 - 01/08/2023
Tận dụng cơ hội cho ngành lúa gạo về đích. Ảnh minh họa.
Tận dụng cơ hội cho ngành lúa gạo về đích. Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Để chớp thời cơ thuận lợi xuất khẩu gạo, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ đang trình Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo.

Tại họp báo thường kỳ tháng 7/2023 ngày 1/8 của Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin về kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu lúa gạo trong bối cảnh mới hiện nay. Cụ thể, tình hình xuất khẩu gạo và lương thực thời gian gần đây trên thế giới xuất hiện nhiều diễn biến như Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, Ấn Độ và UAE tạm dừng xuất khẩu gạo, hiện tượng El Nino, tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất lúa gạo của nhiều nước... dẫn đến giá gạo liên tục tăng.

Trong bối cảnh đó, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, kế hoạch gieo cấy lúa năm 2023 của Việt Nam là 7,1 triệu ha với sản lượng dự kiến đạt trên 43 triệu tấn. Theo khảo sát của Cục Trồng trọt, hiện sinh trưởng và phát triển của cây lúa đang rất tốt. Vụ Hè thu và vụ Mùa sẽ là một năm được mùa kỷ lục của Việt Nam. Do đó mục tiêu trên 43 triệu tấn hoàn toàn có thể đạt được nếu không có các yếu tố bất ngờ như thiên tai, dịch bệnh trên diện rộng.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt.

Để đạt được mục tiêu trên, ông Cường cho biết, Cục Trồng trọt đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT và các địa phương có kế hoạch gieo cấy, giải pháp kỹ thuật. Với các giải pháp canh tác lúa như hiện nay thì 3 tháng sẽ cho thu hoạch, bởi vậy vụ Đông xuân năm nay sẽ cho sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn thóc.

Liên quan đến vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, Cục trưởng Cục Trồng trọt dự báo, năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,8 triệu tấn gạo.

Nhằm tận dụng thời cơ thuận lợi hiếm có của ngành lúa gạo hiện nay khi nhiều nước có nhu cầu nhập khẩu gạo cao, Cục Trồng trọt đã bố trí nâng diện tích trồng lúa vụ Thu đông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000 ha lên 700.000 ha. Đồng thời, Cục Trồng trọt cũng trình Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo chớp cơ hội thị trường thế giới.

Ông Cường cũng khẳng định, việc đẩy mạnh xuất khẩu tại thời điểm này sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực, đảm bảo cân đối nguồn cung trong nước nhưng vẫn tận dụng thời cơ triệt để trong xuất khẩu.

Chia sẻ về yếu tố thời tiết bất lợi, ông Nguyễn Như Cường nhận định, El Nino sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất lúa gạo. El Nino bắt đầu tác động mạnh từ khoảng tháng 10, do đó, từ vụ Đông xuân 2023 - 2024 sẽ có những tác động mạnh mẽ đến sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục trồng trọt nhận định, so với các nước trồng lúa trên thế giới thì Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi El Nino.

“Xét trong lịch sử, năm 2019 được đánh giá là chịu tác động nặng nhất của El Nino nhưng tổng diện tích bị thiệt hại của Việt Nam cũng không quá lớn. Đây sẽ là kinh nghiệm để đối phó với El Nino lần này. Chúng ta không chủ quan nhưng có thể tin tưởng rằng Bộ NN&PTNT sẽ có những giải pháp chủ động ứng phó, bảo vệ mùa màng”, ông Nguyễn Như Cường khẳng định.

Trong tháng 7, giá lúa Hè Thu các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến tăng do giao dịch sôi động với nhu cầu và sức mua đang tốt (lúa IR50404 lên mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 lên mức 6.800 đồng/kg, lúa Đài thơm lên mức 6.950 đồng/kg).

Giá gạo xuất khẩu trong tháng 7 cũng tăng 9,2%, 534 USD/tấn. Nhờ vậy, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 4,84 triệu tấn, giá trị 2,58 tỷ USD, tăng 29,6%.

Lũy kế đến trung tuần tháng 7, cả nước gieo cấy được 6.175,3 nghìn ha lúa, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, đã thu hoạch 3.677,4 nghìn ha, giảm 0,8% với năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha; sản lượng thu hoạch trên 24,1 triệu tấn, tăng 0,4%.

Tin liên quan

Đọc tiếp