TS. Đinh Trọng Thịnh: Năm 2021 GDP chỉ tăng 2,58% nhưng là cả một sự nỗ lực

VĨ MÔ Việt nAM
14:54 - 29/12/2021
TS. Đinh Trọng Thịnh: Năm 2021 GDP chỉ tăng 2,58% nhưng là cả một sự nỗ lực
0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá mức tăng trưởng 5,22% trong quý IV và 2,58% trong cả năm 2021 là cả một sự nỗ lực của toàn nền kinh tế, dù chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng nhưng sẽ tạo cơ sở để sang năm có thể tăng hơn 7%.

Tổng cục Thống kê công bố dữ liệu vĩ mô cho thấy tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế năm nay ước đạt 2,58%, thấp nhất trong một thập kỷ qua. Mức tăng trưởng này tương đối giống với dự báo của giới chuyên gia trong những tháng gần đây. Tính riêng trong quý IV/2021, tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế ước đạt 5,22%, cao hơn tốc độ tăng 4,61% cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn quý IV của các năm trước đại dịch.

Trong khi đó, cả hệ thống chính trị đang nỗ lực tiếp sức cho nền kinh tế và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội sắp được đặt lên bàn các vị đại biểu Quốc hội, hoàn toàn có cơ sở để mong chờ triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022.

Ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố báo cáo bức tranh toàn cảnh kinh tế vĩ mô năm 2021, MEKONG ASEAN đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế - PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh về kết quả tăng trưởng năm nay và triển vọng tăng trưởng trong năm 2022 sắp tới.

Từ góc độ chuyên gia kinh tế, ông đánh giá ra sao về mức tăng trưởng 5,22% của quý IV cũng như tốc độ tăng trưởng 2,58% cho cả năm 2021?

Nói chung, những con số này nằm trong dự báo của nhiều người.

Không thể không nói mức tăng trưởng 5,22% trong quý IV và 2,58% trong cả năm là cả một sự nỗ lực. Bởi vì cho đến hết 9 tháng đầu năm, tăng trưởng toàn nền kinh tế mới đạt 1,42%, riêng quý III tăng trưởng -6,17%. Nhưng với cá nhân tôi, nó thấp so với mức tôi kỳ vọng về sự hồi phục và phát triển kinh tế.

Tốc độ tăng GDP quý IV đạt 5,22%, tôi đánh giá là chậm. Tôi kỳ vọng con số này đạt 6,5-7% để kéo tăng trưởng cả năm lên 3-3,5%. Nhưng thực tế không được như vậy, bởi đà phục hồi dù rất tốt nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng.

Đầu tháng 10 khi ta bắt đầu mở cửa trở lại thì rất nhiều địa phương vẫn duy trì cách phòng chống dịch kiểu cũ, dù không ngăn sông cấm chợ triệt để như trước nhưng cũng làm cho chuỗi cung ứng không được trôi chảy. Cách chống dịch tại một số địa phương vẫn theo hướng cẩn trọng trong xét nghiệm và thận trọng trong mở lại sản xuất, có thể do người lao động nhiều địa phương mới chỉ được tiêm 1 mũi. Nhưng nhìn chung tất cả những sự thiếu nhất quán này khiến quá trình phục hồi sản xuất không thể bứt phá.

Ảnh tác giả

"Không thể không nói mức tăng trưởng 5,22% trong quý IV và 2,58% trong cả năm là cả một sự nỗ lực...Nhưng với cá nhân tôi, nó thấp so với mức tôi kỳ vọng về sự hồi phục và phát triển kinh tế."

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

Ông đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP quý IV đạt 5,22% là thấp hơn kỳ vọng. Nhưng nhìn vào dữ liệu kinh tế cụ thể trong quý IV mà Tổng cục Thống kê công bố, có thể thấy rất nhiều điểm sáng trong bức tranh phục hồi. Ông nhận định thế nào về những điểm sáng này?

Như tôi đã nói, dù không đạt kỳ vọng của cá nhân tôi nhưng mức tăng trưởng 5,22% trong quý IV và 2,58% trong cả năm là cả một sự nỗ lực của toàn nền kinh tế. Và chắc chắn tôi lạc quan về triển vọng năm 2022 khi nhìn vào kết quả những tháng cuối của năm 2021 vừa qua.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả năm ước tăng 9,2% so với 2020. Nếu bảo rằng con số này quá cao thì cũng không đúng, nhưng nếu xét trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu năm 2021 giảm rất mạnh và thu hút vốn FDI của khu vực Đông Nam Á cũng giảm đáng kể trong năm thì mức tăng 9,2% mà Việt Nam đạt được là quá ổn.

Trong khu vực doanh nghiệp, ngay khi nền kinh tế mở cửa trở lại vào tháng 10 thì số lượng doanh nghiệp đăng ký mới trong tháng 10 đã tăng 112% so với tháng 9, con số rất ấn tượng. Tính chung quý IV, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 70,4% về số lượng doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III. Chưa nói đến các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giờ đây quay lại thị trường.

Như vậy rõ ràng đà phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhà đầu tư là rất tốt. Dù chưa đáp ứng mức độ mong muốn mà nhiều nhà quản lý và nhà kinh tế kỳ vọng, việc doanh nghiệp quay lại thị trường mạnh mẽ là một điểm sáng góp phần tích cực vào đà phục hồi kinh tế trong năm 2021 cũng như tiền đề trong năm 2022.

Ngoài ra, các chỉ số về xuất nhập khẩu rất sáng khi tổng kim ngạch thương mại hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 trong bối cảnh khó khăn của đại dịch.

Cán cân thương mại xuất siêu 4 tỷ USD, sự ổn định tiền tệ và mức lạm phát thấp nhất trong vòng 5 năm cũng nói lên rằng ta đang có cân đối vĩ mô rất tốt để tạo nền tảng cho sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của năm 2022.

Ông đánh giá ra sao về mức tăng trưởng mục tiêu 6-6,5% mà Quốc hội đề ra cho năm 2022, thưa ông?

Nói chung mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% cho năm 2022 theo đánh giá của tôi là con số cẩn trọng, nằm trong khả năng của nền kinh tế ở mức bình thường. Còn tôi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 hoàn toàn có thể đạt mức 7-7,5% chứ không dừng lại ở 6-6,5% đâu.

Nếu ta tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính cũng như thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp thì triển vọng tăng trưởng năm 2022 hoàn toàn đáng để lạc quan hơn. Mà chắc chắn Chính phủ vẫn sẽ tiếp tục tạo tiền đề tốt nhất cho doanh nghiệp, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới đây thôi.

Chẳng hạn, Bộ Tài chính vừa đề xuất miễn giảm 35 loại phí, lệ phí trong nửa đầu năm 2022, những năm trước chỉ miễn giảm khoảng 30 loại thôi. Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội cũng đang được nghiên cứu, dự kiến sắp trình Quốc hội xem xét thông qua rồi.

Như vậy có lẽ mức tăng trưởng mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là mức đảm bảo khả năng thực thi tốt nhất. Còn nếu xét triển vọng, ta hoàn toàn có thể nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng cao hơn.

Ảnh tác giả

"Tôi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 hoàn toàn có thể đạt mức 7-7,5% chứ không dừng lại ở 6-6,5% đâu."

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

Nhiều ý kiến lo lắng áp lực lạm phát năm 2022 tương đối lớn, nhất là trên nền so sánh với mức lạm phát rất thấp (1,84%) trong năm nay. Ông đánh giá thế nào về mối quan ngại này?

Ảnh tác giả

"Có nhiều yếu tố có thể đưa lạm phát tăng thậm chí gấp đôi trong năm 2022, tức theo ước tính của chúng tôi sẽ vào khoảng 3,5-3,8%. Nhưng nó không thể nào tăng quá cao vượt mức mục tiêu 4% để mà quá quan ngại."

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh

Nếu nói về các tác động từ giá quốc tế và rủi ro nhập khẩu lạm phát, thì rõ ràng từ đầu năm 2021 giá đầu vào thế giới, bao gồm cả xăng dầu, thức ăn gia súc, nguyên nhiên vật liệu… đều tăng rồi. Nhưng lạm phát cả năm 2021 ở nước ta vẫn thấp nhất trong vòng 5 năm kể từ khi chúng ta bắt đầu áp dụng cách tính lạm phát thấp.

Trong khi đó vào năm tới, mặt bằng giá thế giới có xu hướng hạ nhiệt hoặc ít nhất là áp lực tăng không thể lớn như năm nay. Ví dụ giá dầu hiện đã lên mức 80 USD/ thùng rồi, khó có thể tăng vọt lên 100 USD/ thùng để mà ghi nhận mức tăng mạnh hơn cả năm 2021. Vậy nên nguy cơ nhập khẩu lạm phát năm 2022 dù có cũng không thể nào lớn bằng năm 2021 được.

Có thể có những kịch bản xấu như biến chủng Omicron làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đại dịch, hay các nước thắt chặt chính sách tiền tệ quá nhanh gây đổ vỡ trong nền kinh tế, làm chững đà phục hồi. Nhưng tôi nghĩ họ sẽ cẩn trọng trong siết chính sách tài khóa và tiền tệ. Tất nhiên họ theo dõi chặt, nhưng lộ trình siết chắc chắn không quá chặt, tránh tự làm khổ nền kinh tế của họ.

Còn ở trong nước, có thể có áp lực lạm phát do tác động trễ của các gói kích thích kinh tế từ 2 năm qua, hay Chương trình phục hồi quy mô lớn mà Chính phủ tung ra tới đây. Nhưng tôi vẫn cho rằng không cần quá lo lắng.

Trên thực tế gói hỗ trợ trong 2 năm qua không quá lớn để gây rủi ro lạm phát vượt tầm kiểm soát. Về Chương trình tới đây, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong điều hành chính sách tài chính tiền tệ rồi. Nền tảng vĩ mô của chúng ta đến nay vẫn rất tốt.

Vậy nên tôi đánh giá bức tranh triển vọng năm 2022 nhìn chung là tươi sáng, rủi ro lạm phát là không quá đáng ngại.

Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan

Đọc tiếp