Cầu Long Thành trên tuyến cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây - Ảnh: VEC |
Theo đó, VEC kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giao đầu tư mở rộng đoạn từ nút giao vành đai 2 TP HCM đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km4-Km25+920) dài 21,9 km. Trong đó, từ nút giao vành đai 2 đến vành đai 3 mở rộng lên 8 làn xe; từ vành đai 3 đến nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu lên 10 làn xe.
Tổng mức đầu tư sơ bộ dự án là 14.780 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng), trong đó chi phí xây dựng gần 10.800 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng gần 800 tỷ đồng, quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác hơn 1.000 tỷ đồng, dự phòng hơn 2.100 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ quý IV/2022 đến quý I/2026.
Đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao vành đai 2 dài 4 km và mở rộng nút giao An Phú, VEC kiến nghị để TP HCM đầu tư do đoạn tuyến này đã được bàn giao cho thành phố bảo trì và khai thác.
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, hiện trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km0 - Km25+920) quy mô 4 làn xe đã mãn tải.
Hiện tuyến cao tốc quy mô 4 làn xe đã quá tải, nhu cầu thông qua hiện vượt 25% so với năng lực của tuyến, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu không đáp ứng được nhu cầu vận tải trên tuyến. Đặc biệt, đến năm 2025, sân bay Long Thành khai thác, dự án sẽ không thể đáp ứng khả năng thông hành.
Đoạn từ nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến nút giao cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có thể khai thác ổn định đến năm 2030, còn đoạn tiếp nối đến nút giao Dầu Giây có thể khai thác đến năm 2040.
Do đó theo Bộ GTVT, việc nghiên cứu đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn Km0 - Km25+920 là cấp bách để phục vụ phát triển KT-XH cho cả vùng Đông Nam Bộ.
Về phương án đầu tư, VEC đánh giá đầu tư công sẽ có ưu điểm nhưng sử dụng ngân sách Nhà nước sẽ làm tăng trần nợ công, khả năng bố trí ngân sách là rất khó. Hình thức xã hội hóa (PPP) giúp ngân sách Nhà nước không bị áp lực song vẫn vẫn đòi hỏi bố trí một phần vốn đầu tư công. Ngoài ra, tuyến TP HCM - Dầu Giây đã được VEC đầu tư trong giai đoạn 1 nên sẽ khó phân chia sản lượng khai thác, doanh thu và trách nhiệm quản lý sau này.
Trường hợp thực hiện loại hợp đồng O&M (Kinh doanh - Quản lý), việc huy động vốn sẽ có tính khả thi cao, nhưng Luật PPP và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện còn nhiều quy định chưa cụ thể.
Trên cơ sở phân tích, VEC kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải được nghiên cứu đầu tư mở rộng dự án theo hình thức tự huy động vốn, để đáp ứng tiến độ hoàn thành quý I/2026.
Doanh nghiệp này đã hoàn thành đề án tái cơ cấu, theo đó vốn điều lệ giai đoạn 2022-2025 dự kiến tăng lên 49.560 tỷ đồng, đảm bảo khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay để thực hiện đầu tư dự án.