Về khối lượng, lĩnh vực fintech tại Đông Nam Á giai đoạn nửa đầu năm nay có khoảng 59 giao dịch, giảm hơn 50% so với con số 130 giao dịch của cùng kỳ năm trước.
Giới chuyên gia cho rằng, sự bùng phát đại dịch toàn cầu đã đẩy nhanh quá trình số hóa, khuyến khích người dùng Đông Nam Á giao dịch trực tuyến và tận hưởng các tính năng cũng như phần thưởng từ các nền tảng fintech mới.
Cùng với đó, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có lần đầu tăng lãi suất sau thời gian dài cắt giảm vào tháng 3/2022, các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực fintech bắt đầu sôi động trở lại trong giai đoạn nửa cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bất ổn do áp lực từ lạm phát, xung đột địa chính đã tác động đáng kể lên các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực fintech ở Đông Nam Á.
Sự khác biệt giữa đầu năm nay và nửa đầu năm trước được thể hiện rõ nét khi nhìn vào giá trị của các khoản đầu tư. Số tiền mà các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech ở Đông Nam Á huy động thành công trong nửa đầu năm 2023 chỉ dừng lại ở mức 1 tỷ USD, giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nửa đầu năm nay không phải giai đoạn tốt đẹp với các startup fintech ở Đông Nam Á khi tổng số lượng giao dịch và tổng giá trị các khoản đầu tư đều giảm xuống so với cùng kỳ năm trước.
Insurtech và ngân hàng số là điểm sáng
Dù vậy, không phải tất cả phân khúc liên quan tới lĩnh vực này đều chứng kiến sự ảm đạm trong năm nay. Một số phân khúc như Insurtech (công nghệ bảo hiểm) hay ngân hàng số (Digital Banks) được xem là điểm sáng với những giao dịch có quy mô lớn được thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2023.
Một minh chứng rõ nét, hồi tháng 5 vừa qua, Bolttech - một công ty công nghệ bảo hiểm quốc tế có trụ sở tại Singapore đã huy động thành công 196 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, qua đó định giá công ty ở mức 1,6 tỷ USD.
Khoản đầu tư này được dẫn dắt bởi một tập đoàn bảo hiểm lớn của Nhật Bản có tên Tokio Marine, cùng với các nhà đầu tư lớn khác như công ty bảo hiểm lớn MetLife của Mỹ và quỹ Khazanah Nasional của Malaysia.
Một số công ty Insurtech khác cũng huy động được số tiền đáng kể trong nửa đầu năm nay gồm Roojai của Thái Lan đã gọi vốn thành công 42 triệu USD tại vòng gọi vốn Series B và PolicyStreet của Malaysia huy động được 15 triệu USD từ các nhà đầu tư lớn.
Bên cạnh Insurtech, phân khúc ngân hàng số hay các công ty khởi nghiệp tham gia vào các hoạt động cho vay, cũng thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Mới đây, ngân hàng ANEXT – một trong 4 ngân hàng có giấy phép kinh doanh ngân hàng kỹ thuật số do Cơ quan tiền tệ Singapore cấp, đã nhận được vốn đầu tư 188 triệu USD từ công ty mẹ Ant Group.