Vượt bẫy thu nhập trung bình, cải cách thể chế kinh tế là chìa khóa

KINH TẾ Việt nAM
23:30 - 01/03/2023
Vượt bẫy thu nhập trung bình, cải cách thể chế kinh tế là chìa khóa
0:00 / 0:00
0:00
Với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 nếu không vướng bẫy thu nhập trung bình thấp.

Với mức thu nhập bình quân đầu người (GNI/đầu người) năm 2021 khoảng 3.590 USD theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam đang tiến sát ngưỡng khởi đầu của nhóm các nước thu nhập trung bình cao.

Tuy nhiên, kinh nghiệm thế giới cho thấy, đa số các quốc gia khi chạm đến ngưỡng này thì tốc độ tăng trưởng chậm dần, bắt đầu xuất hiện nhiều bất ổn kinh tế mang tính cơ cấu rất khó giải quyết dứt điểm, trong khi lại phải đối mặt với nhiều vấn đề như già hoá dân số, an sinh xã hội, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên…Hệ quả là rất ít quốc gia có thể vượt qua được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Chìa khoá nằm ở đâu?

Phát biểu tại tọa đàm Đối thoại chính sách về đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân ngày 1/3, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, những nỗ lực cải cách, phát triển nền kinh tế thị trường từ năm 1986 tới nay đã đưa Việt Nam từ một nước có thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 200 USD vào đầu những năm 1990 tăng lên 3.590 USD vào năm 2021, nằm trong nhóm 30 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Việt Nam đã liên tục xây dựng và điều chỉnh hệ thống pháp luật của mình để phù hợp với các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Một loạt các bộ luật đã được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh.

GS Chương nhận định, trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã kiên trì cải cách thể chế kinh tế thị trường theo hướng ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường hội nhập quốc tế, điều này đã mang đến cho Việt Nam một thể trạng kinh tế khoẻ mạnh, như dự trữ ngoại hối ở mức cao, tỉ lệ nợ công trên GDP ở mức thấp, đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất, nhập khẩu liên tục tăng trưởng.

GS. TS Phạm Hồng Chương cho rằng, Việt Nam có khả năng gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030 nếu vượt qua được bẫy thu nhập trung bình thấp.

CẢI CÁCH THỂ CHẾ KINH TẾ LÀ CHÌA KHÓA

Kinh nghiệm của Việt Nam khi đối diện với những lần suy giảm kinh tế trước đây, từ khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 hay đại suy giảm toàn cầu 2008-2009, cho thấy không phải chỉ các chương trình kích cầu, đầu tư công mang lại thành tựu phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo mà chính cải cách thể chế kinh tế mới là chìa khoá để mang lại niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

GS. Chương nhìn nhận, sự vận hành của nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay vẫn đang bộc lộ một số hạn chế, ví dụ như mức độ can thiệp của Nhà nước vào cơ chế giá thị trường. Hệ thống các văn bản pháp luật đôi chỗ vẫn còn chồng chéo, việc bảo vệ quyền sở hữu vẫn chưa được tốt. Cụ thể, đất đai nhiều nơi vẫn bị thu hồi phục vụ mục đích kinh tế của các tập đoàn bất động sản tư nhân.

Nhiều loại thị trường hiện đại chưa được hình thành hoặc còn hạn chế sự tham gia của người dân, như các thị trường ngoại hối, thị trường vàng phái sinh, thị trường hàng hoá phái sinh…

Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam xem xét, đánh giá thể chế kinh tế thị trường của mình nhằm chuẩn bị tốt cho giai đoạn thuộc nhóm thu nhập trung bình cao, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều bất ổn.

"Trong số 101 quốc gia có mức thu nhập trung bình trong thập niên 1960, chỉ có 13 quốc gia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2008.

Thực tiễn này cho thấy để biến khát vọng thành hiện thực, Việt Nam phải tiếp tục con đường đã chứng tỏ mang lại thành công trong hơn 30 năm qua, đó là phát triển kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế", GS.Phạm Hồng Chương nói.

Cách tiếp cận mới về đổi mới thể chế kinh tế

TS. Đinh Tuấn Minh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) nhìn nhận, nếu tháo gỡ được một số nút thắt sẽ tạo ra động lực phát triển kinh tế mới, giống như những gì Việt Nam đã làm được trong giai đoạn trước đây.

Tuy nhiên, để xác định bất cập trong hệ thống thể chế kinh tế khi hướng tới nước thu nhập trung bình cao, cần có cách tiếp cận mới, TS. Đinh Tuấn Minh nhấn mạnh.

TS. Đinh Tuấn Minh

TS. Đinh Tuấn Minh

Cụ thể, trong các cách tiếp cận truyền thống, thông thường sẽ tìm mô hình tối ưu hoá để chỉ ra những điểm bất cập. Song, ở cách tiếp cận mới, TS Đinh Tuấn Minh cho rằng cần đứng từ góc độ so sánh để từ đó đánh giá.

Vị chuyên gia này lý giải, thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam cơ bản đã thành hình hơn 30 năm qua với nhiều thành tựu như đã xác lập và bảo vệ quyền sở hữu, có được sự tự do giá cả, tự do thoả thuận và tự do kinh doanh. Nếu muốn biết Việt Nam đang ở đâu thì cần so sánh với các nền kinh tế có nét tương đồng, hoặc quốc gia có trình độ phát triển tốt hơn để tìm ra vấn đề.

Ông Đinh Tuấn Minh lấy ví dụ, có thể so sánh với nước các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc. Hay các nước thành công như Hàn Quốc và thất bại trong việc vượt bẫy thu nhập trung bình như Argentina.

Công cụ so sánh là các bộ chỉ số so sánh hệ thống thể chế kinh tế thị trường giữa các quốc gia thông qua các yếu tố như quy mô chính phủ, hệ thống pháp lý và các quyền sở hữu, đồng tiền tốt, tự do thương mại quốc tế, các quy định quản lý.

Cũng trong khuôn khổ tọa đàm, bình luận về cách tiếp cận này, PGS. TS Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng của Viện công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, cần so sánh mức độ hoàn thiện và thành tựu của chính nền kinh tế Việt Nam trong các giai đoạn phát triển khác nhau, cũng như tốc độ cải cách thể chế kinh tế so với các nước khác trong cùng một giai đoạn.

TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, bên cạnh việc so sánh với các nền kinh tế khác ở hiện tại, cũng cần tự so sánh với chính mình để nhìn nhận mức độ phát triển. Nếu so sánh giữa các quốc gia, có chăng, đó nên là sự so sánh tốc độ phát triển của các quốc gia ở cùng một giai đoạn để thấy rõ tương quan tăng trưởng.

Ông Cường lấy ví dụ, cần so sánh 20 năm qua, Việt Nam đi có nhanh không trong tiến trình cải cách, trong tiến trình đổi mới thể chế. Và cũng trong 20 năm đó, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... đi như thế nào. Từ đó, có thể thấy được bài học.

Tọa đàm Đối thoại chính sách về đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030

Tọa đàm Đối thoại chính sách về đổi mới thể chế kinh tế tại Việt Nam, hướng tới nước có thu nhập trung bình cao trước năm 2030

Đâu là lợi thế của Việt Nam?

Câu hỏi đặt ra là, đâu là lợi thế của Việt Nam so với các quốc gia khác trong tiến trình vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước có mức thu nhập trung bình cao?

Theo TS. Fred McMahon, Trưởng nhóm nghiên cứu về tự do kinh tế tại Viện Fraser, Canada, không thể phủ nhận tại khu vực châu Á, Hàn Quốc, Singapore… là những điển hình tốt mà Việt Nam có thể sẽ cần lưu tâm.

Sau hơn 30 năm đổi mới, cho đến nay Việt Nam cơ bản đã là một nền kinh tế thị trường hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, mặc dù còn nhiều việc cần làm và phải làm.

TS. Fred McMahon gây shock khi đưa ra nhận định rằng, Việt Nam vẫn là một quốc gia tương đối nghèo và đây lại là một lợi thế.

Lý giải, theo ông, điều này giúp Việt Nam sẽ dễ dàng hơn để bắt kịp các nền kinh tế hiện đại, nhờ động lực thúc đẩy các cải tiến và cơ chế mới với chi phí thấp, tiền công thấp mà vẫn lôi kéo được đầu tư. Đòn bẩy cho hạ tầng kinh tế sẽ giúp nâng cao thu nhập đầu người đồng thời tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế.

Một lợi thế khác, theo ông Fred McMahon, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ với mức trung bình 6% trong vòng 10 năm qua, trong khi các quốc gia giàu hơn sẽ tăng trưởng chậm lại.

Mặt khác, các quốc gia như Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan bắt kịp tốc độ tăng trưởng của Việt Nam nhưng "mờ nhạt" dần khi họ không thể cải thiện tự do kinh tế.

"Tự do kinh tế sẽ tạo động lực vượt bẫy thu nhập trung bình, do đó để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và trở nên giàu có hơn, chính sách kinh tế sẽ phải trở nên cạnh tranh hơn", ông Fred McMahon nhấn mạnh thông điệp.

Coi trọng tự do của các dòng chảy thương mại quốc tế

Ts. Đinh Tuấn Minh cũng đề nghị coi trọng tự do của các dòng chảy thương mại quốc tế. Ông đề xuất cần rà soát lại các hàng rào phi thuế quan theo hướng rõ ràng, minh bạch và ổn định. Kiên trì cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan để giảm chi phí thời gian liên quan đến các thủ tục bắt buộc.

Ông Minh cũng khuyến nghị rà soát lại các quy định về kiểm soát vốn, để thị trường vốn của Việt Nam hấp dẫn hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ cần rà soát lại các quy định về hợp tác công tư để giảm đầu tư trực tiếp từ Nhà nước, thu hút đầu tư từ khu vực tư để cung cấp các dịch vụ tiện ích; đẩy mạnh cổ phần hoá khu vực doanh nghiệp Nhà nước…

Đọc tiếp