World Bank: Kiều hối về Việt Nam năm nay có thể vượt 18 tỷ USD

KINH TẾ Việt nAM
08:11 - 24/11/2021
World Bank: Kiều hối về Việt Nam năm nay có thể vượt 18 tỷ USD
0:00 / 0:00
0:00
Theo dự báo của WB, lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 18,06 tỷ USD năm 2021, tương đương khoảng 4,9% GDP quốc gia và tăng 5% so với năm 2020.

Theo báo cáo “Lao động di cư và phát triển” do World Bank công bố hôm 22/11, 3 quốc gia tiếp nhận kiều hối hàng đầu thế giới trong năm 2021 dự kiến là Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico.

Đứng ở vị trí thứ 8, Việt Nam dự kiến tiếp tục là một trong những nước nhận kiều hối cao nhất thế giới tính theo giá trị, với lượng kiều hối ước đạt 18,06 tỷ USD, tương đương khoảng 4,9% GDP quốc gia và tăng 5% so với năm 2020.

Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có lượng kiều hối cao nhất trên thế giới tính theo giá trị

Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có lượng kiều hối cao nhất trên thế giới tính theo giá trị

Tính riêng trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 3 về giá trị kiều hối. và thứ 10 về tỷ trọng kiều hối trên GDP

Tính riêng trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 3 về giá trị kiều hối. và thứ 10 về tỷ trọng kiều hối trên GDP

Trước đó, năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam đạt 17,2 tỷ USD, tức tăng khoảng 3% so với năm 2019 bất chấp sự bùng phát của đại dịch COVID-19 khiến dòng kiều hối toàn cầu giảm khoảng 7%.

Lượng kiều hối về Việt Nam tăng đều qua các năm

Lượng kiều hối về Việt Nam tăng đều qua các năm

Theo dự báo của World Bank, không riêng Việt Nam, đa số các quốc gia đang phát triển - đặc biệt là các quốc gia bị ảnh hưởng bởi làn sóng lây lan dịch COVID-19 do biến thể Delta - đều chứng kiến dòng ngoại hối đổ về tăng trong năm 2021. Mức tăng chủ yếu do kiều bào tại nước ngoài tăng cường hỗ trợ cho thân nhân ở quê nhà.

Cụ thể, World Bank dự báo dòng kiều hối đổ về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình (LMIC) sẽ đạt 589 tỷ USD trong năm nay, tức tăng 7,3% so với năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2018.

Hai nguyên nhân chính thúc đẩy dòng kiều hối về nước mạnh mẽ là sự sẵn sàng hỗ trợ thân nhân của kiều bào nước ngoài và khả năng tài chính vững chắc của họ khi các quốc gia nhập cư tung ra nhiều chương trình bảo vệ việc làm trong khuôn khổ các gói kích thích tài khóa khẩn cấp quy mô chưa từng có kết hợp với chính sách tiền tệ nới lỏng phù hợp. Ngoài ra, ở các một số quốc gia, sự phục hồi của kiều hối cũng được thúc đẩy bởi giá dầu tăng và kinh tế phục hồi.

Không tính Trung Quốc, dự kiến dòng kiều hối hiện cao hơn khoảng 50% so với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cao gấp khoảng 3 lần vốn hỗ trợ phát triển nước ngoài (ODA). Con số này phản ánh tầm quan trọng của dòng kiều hối trong hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng ở các nước nhận kiều hối ở giai đoạn kinh tế khó khăn.

Không tính Trung Quốc, dự kiến dòng kiều hối (đường màu cam) hiện cao hơn khoảng 50% so với tổng vốn FDI (đường màu đỏ) và cao gấp khoảng 3 lần vốn ODA (đường màu đen)

Không tính Trung Quốc, dự kiến dòng kiều hối (đường màu cam) hiện cao hơn khoảng 50% so với tổng vốn FDI (đường màu đỏ) và cao gấp khoảng 3 lần vốn ODA (đường màu đen)

Tính theo khu vực, dòng kiều hối dự kiến tăng trưởng mạnh nhất ở châu Mỹ Latinh và các nước Caribe với mức tăng đột biến 21,6%, một phần nguyên nhân do sự phục hồi kinh tế ở Mỹ, quốc gia “nguồn” đóng vai trò quan trọng trong tổng kiều hối chảy về khu vực này. Ngoài ra, kiều hối vào các nước châu Phi cận Sahara, Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi dự kiến tăng 6-10%, Châu Âu và Trung Á dự kiến tăng 5,3%.

Trong khi đó, kiều hối vào khu vực Đông Á - Thái Bình Dương ngoại trừ Trung Quốc (bao gồm Việt Nam) dự kiến tăng khiêm tốn 1,4%. Riêng Indonesia, dự báo dòng kiều hối giảm khoảng 5% trong năm nay do dòng tiền từ Malaysia và Arab Saudi - đóng góp khoảng 60% ngoại hối trong năm 2020 - giảm xuống.

Dự báo cho năm 2022, World Bank cho rằng dòng kiều hối đổ về các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ tăng khoảng 2,6% lên 605 tỷ USD. Đồng thời lưu ý triển vọng kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường lao động nói riêng vẫn còn đối diện nhiều thách thức có khả năng tác động không chắc chắn đến kiều hối như sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 ở các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, EU và khu vực Đông Nam Á. Điều này sẽ dẫn đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu giảm tốc, sự gián đoạn kéo dài của chuỗi cung ứng, rủi ro lạm phát khi giá sản xuất và tiêu dùng lên cao do sự thiếu hụt nguyên nhiên vật liệu đầu vào…

Tin liên quan

Đọc tiếp