World Bank: Dịch Covid-19 phơi bày nhược điểm mạng lưới an sinh xã hội Việt Nam

KINH TẾ Việt nAM
11:09 - 27/10/2021
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, trong tương lai, nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam là đổi mới, hiện đại hóa mạng lưới an sinh xã hội, định nghĩa lại tính dễ tổn thương và an ninh kinh tế của khu vực hộ gia đình.

Chiều 26/10, buổi thảo luận trực tuyến “Một năm theo dõi tác động của COVID-19 tại Việt Nam và Châu Á” đã diễn ra với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Phát biểu tại buổi thảo luận, bà Carolyn Turk – Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết đại dịch Covid-19 đã thổi bay thành tựu tăng trưởng của 3-4 năm qua trong nền kinh tế toàn cầu.

“Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 đã rơi xuống lãnh thổ âm. Đại dịch Covid-19 cũng làm gián đoạn tiến độ các mục tiêu giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân trên toàn cầu nói chung và trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng. Mặc dù châu Á là khu vực có tăng trưởng kinh tế lạc quan hơn so với phần còn lại của thế giới trong năm 2020, nhưng lại chịu tác động nặng nề hơn trong năm 2021 do sự bùng phát làn sóng dịch gần đây liên quan đến biến thể Delta dễ lây lan cũng như tình trạng thiếu vắc xin” - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho hay.

Tại buổi thảo luận, bà Lydia Kim, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới đã trình bày kết quả khảo sát tác động của đại dịch Covid-19 đến hộ gia đình khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Khảo sát được thực hiện đến tháng 5/2021, chưa bao gồm tác động của làn sóng dịch Covid-19 gần nhất với nền kinh tế Việt Nam.

Theo đó, Ngân hàng Thế giới nhận định trong năm đầu tiên của đại dịch, kết quả tăng trưởng GDP của Việt Nam tương đối lạc quan so với các quốc gia châu Á Thái Bình Dương có mức thu nhập trung bình khác.

Tính di động tại Việt Nam tính đến tháng 5/2021 vẫn ổn định, tiệm cận mức bình thường hơn so với các quốc gia trong khu vực trước khi bắt đầu lao dốc kể từ tháng 6 và đang dần phục hồi từ đầu tháng 10.

Tỷ lệ ngừng việc làm tại Việt Nam theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới là 6%, trong khi tỷ lệ giảm thu nhập với người lao động ước tính 29%, thấp hơn đáng kể so với các quốc gia trong khu vực.

Trái với các quốc gia Đông Á - Thái Bình Dương khác, ở Việt Nam, những người giàu bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 nhiều hơn là người nghèo. Bà Lydia Kim cho rằng nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do tác động của đại dịch với khu vực thành thị của Việt Nam mạnh mẽ hơn khu vực nông thôn, trong khi ngành nông nghiệp vẫn phát triển bền vững.

Về vấn đề hỗ trợ xã hội, phân tích cho thấy quy mô các gói hỗ trợ hộ gia đình tại Việt Nam còn ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực. Hơn nữa, đa số các gói không được thực hiện dưới dạng hỗ trợ trực tiếp.

Phân tích của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng trong năm đầu tiên đại dịch, tình trạng mất an ninh lương thực không phải rủi ro lớn với Việt Nam như một số quốc gia khác trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Ngân hàng Thế giới cũng nhận định sở dĩ Việt Nam có tỷ lệ trẻ em tham gia các hoạt động giáo dục tương tác cao như học trực tuyến lớn hơn nhiều quốc gia trong khu vực là do các trường học bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh chủ yếu nằm ở các thành phố lớn. Trong khi đó, tại các vùng nông thôn, nhiều trường học vẫn giảng dạy bình thường.

Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk cho hay nhìn vào dữ liệu lịch sử các nghiên cứu được thực hiện trong khoảng 3-4 thập kỷ gần đây về các lần đại dịch SARS, H5N1, Ebola…, có thể thấy mỗi đại dịch đi qua đều ảnh hưởng nặng nề đến thành quả tăng trưởng kinh tế, thu hẹp bất bình đẳng. Tỷ lệ thu nhập chia sẻ cho nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương cũng xấu hơn rất nhiều kết quả trước dịch.

Riêng tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã làm lộ rõ nhược điểm của mạng lưới an sinh xã hội. Trong tương lai, nhiệm vụ quan trọng là cần đổi mới, hiện đại hóa mạng lưới an sinh xã hội, cần định nghĩa lại tính dễ tổn thương và an ninh kinh tế của khu vực hộ gia đình.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.