Xử lý 61 triệu tấn chất thải chăn nuôi bằng mô hình liên hợp tuần hoàn

Chăn nuôi Tuần hoàn
18:22 - 10/07/2023
Xử lý chất thải chăn nuôi tạo ra nguồn lợi nhuận lớn. Ảnh minh họa: VGP.
Xử lý chất thải chăn nuôi tạo ra nguồn lợi nhuận lớn. Ảnh minh họa: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Ngành chăn nuôi thải ra môi trường trung bình 61 triệu tấn chất thải mỗi năm, trong khi chỉ mới có 25% lượng phân bón hữu cơ được sử dụng, đặt ra yêu cầu cần áp dụng mô hình liên hợp tuần hoàn để gia tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường.

Tại Hội thảo phổ biến kiến thức về chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường, ngày 10/7, báo cáo của Cục Chăn nuôi cho biết, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2023 đạt 232 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh kết quả tích cực, hàng năm ngành chăn nuôi thải ra môi trường một lượng lớn chất thải. Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, giai đoạn 2018 - 2022, mỗi năm có trung bình 61 triệu tấn phân và trên 304 triệu m3 chất thải lỏng được thải ra từ các loại vật nuôi chính cần phải được xử lý, tái sử dụng.

Trong số 61 triệu tấn phân thải ra từ các vật nuôi chính, 40% chất thải là từ bò, 34% từ lợn, 21% từ trâu và 6% từ gia cầm. Trong số 304 triệu tấn nước thải, trên 84% từ chăn nuôi lợn.

Tổng hợp số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương đến tháng 7/2022, Cục Chăn nuôi thống kê, tỷ lệ hộ chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải là 72%, số hộ thải trực tiếp ra môi trường là 28%. Trong đó, tỷ lệ xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn là 86%, nuôi gà 51%, chăn nuôi bò 68% và chăn nuôi trâu 8%.

Tại trang trại chăn nuôi, số trang trại chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi đạt tỷ lệ 95%.

Trong khi còn lượng lớn chất thải chăn nuôi chưa được xử lý thải trực tiếp ra môi trường thì Việt Nam mới sử dụng 25% lượng phân bón hữu cơ, 75% còn lại là phân bón vô cơ. Trung bình mỗi năm, ngành chăn nuôi nhập khẩu lượng phân bón nhập khẩu là 60%, kinh phí cho nhập khẩu phân bón mỗi năm là 1,45 triệu USD.

Áp dụng mô hình đại chăn nuôi gia súc liên hợp

Trên cơ sở nhận định hạn chế của xử lý chất thải ngành chăn nuôi, ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng cần phát triển mô hình chăn nuôi đại gia súc trên nền kinh tế tuần hoàn.

Theo kiến nghị của ông Thắng, mô hình cần được xây dựng theo hình thức một khu liên hợp, có chức năng tự thu gom phế liệu, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc.

Các khu liên hợp sẽ diễn ra hoạt động tổ chức chăn nuôi tập trung và chăn nuôi liên kết, sản xuất đệm sinh học làm nền chuồng trại để xử lý chế thải trong chăn nuôi.

"Trong mô hình này, bài toán chia sẻ lợi ích cho các bên liên quan được quan tâm ở mức tốt nhất trên cơ sở minh bạch quyền lợi và trách nhiệm mỗi bên. Thông qua đó, có thể nghiên cứu, ứng dụng nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp để giải quyết các vấn đề thường phát sinh trong khi tổ chức thực hiện”.

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

Mục tiêu của mô hình là mở rộng liên kết vùng sản xuất theo khu vực, ngành hàng để kết nối phát triển kinh tế tuần hoàn. Phế phụ phẩm của đơn vị này được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho đơn vị kia.

Ông Hà Văn Thắng nêu ví dụ, sử dụng toàn bộ phế phụ phẩm trong nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi để sản xuất thức ăn gia súc và phân bón hữu cơ vi sinh trên nền tảng của công nghệ sinh học và công nghệ chế biến công nghiệp hiện đại.

CTCP T159 Hòa Bình là đơn vị được Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam nêu dẫn chứng về một doanh đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi. Công ty này đã áp dụng các giải pháp hệ thống trang trại và tổ chức chăn nuôi đại gia súc tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hòa Bình, Phú Thọ, Nghệ An. Với quy mô tập trung đến 5.000 con trâu, bò trong mỗi khu trại.

“Hàng năm, mỗi khu trang trại, khu liên hợp sản xuất của công ty đã sử dụng được 30.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi và sản xuất 25.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh”, ông Thắng cho biết thêm.

Tin liên quan

Đọc tiếp