Xuất khẩu tôm dần hồi phục, 9 tháng thu về 2,76 tỷ USD

xuất nhập khẩu Việt nAM
21:30 - 20/10/2021
Doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu Việt Nam. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu Việt Nam. Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo mới nhất của VASEP cho thấy, tình trạng suy giảm của xuất khẩu tôm đã chậm lại, nhiều doanh nghiệp từng bước khôi phục sản xuất sau nới lỏng giãn cách xã hội.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tình hình xuất khẩu tôm sang hầu hết các thị trường chính trong tháng 9 vẫn tiếp tục suy giảm mặc dù đà giảm đã chậm lại so với tháng 8/2021.

VASEP nhận định, việc nới lỏng giãn cách từ giữa tháng 9 đã giúp doanh nghiệp từng bước khôi phục sản xuất tuy vậy, hầu hết doanh nghiệp vẫn phải “canh cánh” nhiều nỗi lo về nguồn lao động, chi phí đảm bảo phòng chống dịch để sản xuất an toàn…

Từ tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm của Việt Nam bắt đầu giảm mạnh do sản xuất bị ảnh hưởng vì tỷ lệ nhiễm COVID-19 ở Đồng bằng sông Cửu Long gia tăng.

Những dấu hiệu tích cực

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2021, xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường giảm 20%, đạt 308,5 triệu USD. Tốc độ giảm đã thấp hơn so với tháng 8/2021. Tín hiệu tích cực thời điểm này là xuất khẩu tôm sang một số thị trường đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ.

Xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong tháng 9/2021 đã tăng 8% so với cùng kỳ, xuất khẩu sang EU trong tháng 9 đã ghi nhận đà giảm thấp hơn so với tháng 8, xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc tăng 4%. Xuất khẩu sang các thị trường còn lại trong top 10 thị trường chính của Việt Nam vẫn giảm mạnh trong tháng 9.

Tính tổng trong cả 9 tháng năm 2021, xuất khẩu tôm đạt 2,76 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ trong đó tôm chân trắng tăng 10% đạt 2,13 tỷ USD, tôm sú giảm 1,7% đạt 422,5 triệu USD. Trong cơ cấu các sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm chân trắng chiếm 77,2%, tôm sú chiếm 15,3%, còn lại tôm biển với 7,5%.

Điểm lại các thị trường chính của tôm Việt Nam

Tại thị trường Mỹ, sau khi giảm trong tháng 8, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 9/2021 phục hồi nhẹ, tăng 8%, đạt 97,6 triệu USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt trên 775 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ.

VASEP nhận định, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn cao, nhất là khi thị trường này đang mở cửa trở lại hậu COVID-19 và các dịp lễ cuối năm đang tới gần.

Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), nhập khẩu tôm của Mỹ tiếp tục tăng trong tháng 8/2021. Mỹ nhập khẩu 89.407 tấn tôm tôm, trị giá 822,9 triệu USD trong tháng 8/2021, tăng 8% về khối lượng và 17% về giá trị so với 82.427 tấn, trị giá 701,6 triệu USD trong tháng 8/2020.

Việt Nam có thể nhìn thấy được cơ hội từ những con số này, nhất là khi nhập khẩu tôm của Mỹ từ Ecuador liên tục tăng mạnh từ đầu năm nay. Nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Ecuador sang Mỹ sẽ khó duy trì được trong thời gian tới do thiếu nguyên liệu.

Tại thị trường EU, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong tháng 9/2021 giảm 15%, đạt 48,8 triệu USD. Tuy nhiên tốc độ giảm đã thấp hơn so với tháng 8.

Trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang EU đạt gần 408 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Ba thị trường NK chính trong khối là Đức, Hà Lan và Bỉ. Tính tới tháng 9 năm nay, xuất khẩu sang Đức và Bỉ tăng lần lượt 22% và 2%, xuất khẩu sang Hà Lan giảm 1%.

Lượng tôm dự trữ của EU đang ở mức thấp, nhu cầu khẩu của thị trường này rất cao từ nay đến tháng 11 để phục vụ Noel, cùng với Hiệp định thương mại tự do với EU sẽ là cơ hội cho các nhà XK tôm Việt Nam sang thị trường này.

Ngành tôm nỗ lực phục hồi từ cuối tháng 9

Sản xuất và xuất khẩu tôm nửa cuối tháng 9/2021 đã có dấu hiệu tích cực hơn, nhất là tại một số tỉnh trọng điểm về tôm như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Dịch bệnh được kiểm soát tốt ở địa phương, giúp doanh nghiệp yên tâm vừa phòng, chống dịch vừa cố gắng duy trì sản xuất.

Nuôi tôm ở Sóc Trăng. Ảnh: Vov.vn
Nuôi tôm ở Sóc Trăng. Ảnh: Vov.vn

Sóc Trăng là một trong những địa phương có diện tích, sản lượng nuôi tôm lớn trong cả nước. Tính đến thời điểm này, ngành tôm Sóc Trăng cơ bản đã vượt qua những thử thách trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo việc phòng, chống COVID-19; khó khăn được tháo gỡ kịp thời cùng những tín hiệu lạc quan của thị trường trong và ngoài nước đang là những cơ hội tốt để người nuôi tôm và các công ty, doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng yên tâm phục hồi chuỗi sản xuất trong những tháng còn lại của năm 2021.

Từ tháng 10/2021, dòng người lao động từ Tp.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ tự phát đi về quê hương ở các tỉnh ĐBSCL khiến cho các khu cách ly bị quá tải, số ca F0 gia tăng tạo thêm áp lực cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm tại đây.

Trước tình hình này, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm cần phải nỗ lực, cảnh giác cao độ để duy trì sản xuất, đáp ứng các đơn hàng cho khách vào dịp lễ cuối năm.

Đại dịch COVID-19 đã khiến cho nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL phải gồng mình chống dịch, vừa phải đảm bảo hài hòa cả hai yếu tố sản xuất đi liền với phòng chống dịch bệnh.

Yếu tố quan trọng nhất đối với doanh nghiệp lúc này là khả năng thích ứng. Các doanh nghiệp cần thực hiện tốt chuỗi giá trị, từ khâu nuôi đến điều kiện nhà xưởng, quản lý... để khi có biến động sẽ không bị tác động nhiều.

Tin liên quan

Đọc tiếp