1/5 trẻ em Việt Nam chưa có được sự khởi đầu tốt nhất

Trẻ em Việt nAM
15:27 - 01/06/2022
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Theo thống kê của UNICEF, dù vẫn còn nhiều trẻ em đang chịu những sự thiếu thốn nhất định, nhưng Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn, đa phần trẻ em Việt Nam hiện được hưởng cuộc sống chất lượng hơn thế hệ đi trước.

Báo cáo “Trẻ em Việt Nam” của UNICEF Việt Nam cập nhật số liệu đến cuối tháng 4/2022 cho thấy, chỉ trong một thời gian khá ngắn, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn về chăm sóc cho 26 triệu trẻ em và người vị thành niên.

Thành tựu kinh tế và phát triển con người tăng lên nhanh chóng chỉ trong hơn 2 thập kỷ cũng được phản ánh trong các chỉ số phúc lợi dành cho trẻ em. Hầu hết trẻ em được đi học tiểu học và trung học cơ sở, được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe đầy đủ và có thể sống thọ hơn cha mẹ mình.

Theo thống kê của UNICEF, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á và trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em năm 1990, tiếp tục thể hiện khả năng lãnh đạo rõ ràng và luôn hướng tới việc đảm bảo mọi trẻ em đều khỏe mạnh, an toàn, được giáo dục và trao quyền để phát triển tối đa tiềm năng của mình.

Tính đến quý II/2022, nhiều trẻ em ở Việt Nam được hưởng cuộc sống chất lượng mà thế hệ đi trước không có được. Tuy nhiên, vẫn còn trẻ em và người chưa thành niên chưa nhận được đầy đủ thành quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và vẫn đang sống trong điều kiện thiếu thốn.

Cụ thể, theo tính toán của UNICEF, vẫn còn khoảng 1/5 trẻ em Việt Nam tương đương khoảng 5,5 triệu em đang chịu sự thiếu thốn nhất định, ít nhất là 2 trong số các lĩnh vực giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nơi ở, nước và vệ sinh môi trường, hoặc hòa nhập xã hội.

Vấn đề bảo vệ trẻ em có sự chênh lệch giữa các vùng miền. Nguồn: UNICEF

Vấn đề bảo vệ trẻ em có sự chênh lệch giữa các vùng miền. Nguồn: UNICEF

“Tính dễ ​​bị tổn thương do khí hậu tác động đến hơn 74% dân số, đặc biệt là những người nghèo thiếu khả năng chống lại những cú sốc, trong khi tốc độ đô thị hóa càng làm trầm trọng thêm tính dễ bị tổn thương của các gia đình di cư, là những gia đình ít tiếp cận được với dịch vụ xã hội”.

Báo cáo về “Trẻ em Việt Nam 2022” của UNICEF

Từ số liệu của UNICEF đã chỉ ra một thực trạng, vẫn còn những trẻ em Việt Nam chưa có được sự khởi đầu tốt nhất có thể và không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng.

Sự thiếu hụt về sức khỏe và dinh dưỡng cũng khiến 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc hoặc gặp những tổn thương về thể chất. Nước và vệ sinh không an toàn vẫn là nguyên nhân đáng kể gây các bệnh truyền nhiễm.

Ngày nay, hơn 2/3 trẻ em từ 1 đến 14 tuổi vẫn chịu hình thức kỷ luật bạo lực và hơn 170.000 trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ, nhiều em phải sống trong cảnh nghèo khó hoặc bị bỏ rơi, theo UNICEF.

Trong tổng số 1,3 triệu trẻ khuyết tật, cứ 10 em thì chỉ có 1 em được học lên trung học. Theo UNICEF, còn rất nhiều việc cần thực hiện để đảm bảo không còn sự bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn, giới tính...và để tất cả trẻ em đều có sự tiếp cận công bằng với giáo dục.

Không thể tiếp cận với các dịch vụ và hỗ trợ xã hội khi cần thiết nhất chính là nguyên nhân cản trở trẻ em dễ bị tổn thương và thiệt thòi được sống an toàn không bị tổn hại và có sự khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống.

Nhận thức được những thách thức này, Chính phủ Việt Nam hợp tác với UNICEF cam kết xây dựng các chính sách và luật nhằm đáp ứng nhu cầu và giải quyết bất bình đẳng ở trẻ em tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quyền trẻ em, để đảm bảo mọi trẻ em phát triển tối đa tiềm năng của mình và hưởng lợi từ sự phát triển của đất nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp