ACBS: Chính sách tiền tệ của NHNN sẽ không bị tác động lớn từ việc Fed tăng lãi suất

TÀI CHÍNH Việt nAM
08:52 - 20/06/2022
ACBS: Chính sách tiền tệ của NHNN sẽ không bị tác động lớn từ việc Fed tăng lãi suất
0:00 / 0:00
0:00
ACBS duy trì quan điểm kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong khoảng 5,8% - 6,9% trong năm 2022. Ngoài ra, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022 sẽ không bị tác động lớn từ việc Fed tăng lãi suất.

Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) vừa có báo cáo phân tích đánh giá ảnh hưởng của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản của mình thêm 0,75 điểm phần trăm đến kinh tế Việt Nam.

Theo đó, bất chấp lạm phát cao ở Mỹ, cùng với việc Fed và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất và chương trình Thắt chặt định lượng của Fed, các chuyên gia kỳ vọng CPI sẽ tăng trong khoảng 3,5 – 4% và vẫn nằm trong mục tiêu 4% của Chính phủ.

Ngoài ra, mặc dù lo ngại những sự kiện đó có thể làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những quý sắp tới của năm 2022, với các yếu tố cơ bản vẫn duy trì tốt trong tháng đầu năm 2022, ACBS vẫn duy trì kỳ vọng rằng tốc độ tăng trưởng GDP sẽ dần phục hồi trong ba quý cuối năm 2022. Tất cả các hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trường, qua đó sẽ thúc đẩy các hoạt động từ khu vực FDI về mặt đầu tư và xuất khẩu.

Nhu cầu tiêu dùng nội địa và các ngành dịch vụ cũng phục hồi sau khi được phép mở cửa lại. Phần lớn các loại hình kinh doanh dịch vụ đi kèm với việc mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế và các hoạt động giao thông vận tải trở lại vận hành bình thường, với tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2022 đạt 9,7% so với cùng kỳ năm 2021.

ACBS duy trì quan điểm rằng nền kinh tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt trong khoảng 5,8% - 6,9% trong năm 2022. Việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm 2022 cũng sẽ không bị tác động lớn. Trong đó, nguyên nhân được các chuyên gia ACBS đưa ra như sau:

Thứ nhất, khi tỷ lệ lạm phát duy trì trong mức 4% thì chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn có xu hướng tiếp tục được mở rộng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế.

Thứ hai, tác động lớn chính của việc Fed tăng lãi suất chủ yếu ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài. Trong ngắn hạn, với lịch sử của các đợt tăng lãi suất khác của Fed, dòng vốn vào các thị trường mới nổi sẽ luôn đảo chiều và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, dòng vốn ra khỏi thị trường Việt Nam sẽ chủ yếu đến từ thị trường tài chính. Việt Nam, với nền tảng kinh tế vĩ mô tốt và lạm phát còn được duy trì ở mức dưới 4%, sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là ngành công nghiệp sản xuất.

Thứ ba, xuất khẩu, động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khi hoạt động sản xuất dần phục hồi và dự kiến sẽ tiếp tục đi lên trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất công nghiệp bù đắp sản lượng do chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc gây ra. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại trong 5 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam tiếp tục sôi động, ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 305,1 tỷ USD.

ACBS cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ điều chỉnh tăng lãi suất tối đa 50 điểm phần trăm (+0,5%). Ngoài ra, bất chấp việc Fed tăng lãi suất, VND nói chung sẽ giữ giá và ổn định từ đây tới cuối năm 2022 nhờ việc lạm phát vẫn thấp và được kiểm soát dưới 4%. Đồng thời, xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. FDI giải ngân ổn định trong 5 tháng đầu năm (tăng 7,8%) và nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá dồi dào (ước đạt 113 tỷ USD vào cuối năm 2021).

Cũng theo các chuyên gia của ACBS, vấn đề lạm phát gần đây là do nguyên nhân từ tiền tệ với cung tiền của các quốc gia tăng liên tục trong giai đoạn 2020-2021, lạm phát cầu kéo do chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng trong thời gian đại dịch, lạm phát chi phí đẩy do cú sốc về nguồn cung và kỳ vọng lạm phát bởi người dân và doanh nghiệp kỳ vọng giá cao hơn trong tương lai.

Những vấn đề trên sẽ được giải quyết khi các ngân hàng trung ương như Fed và Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) tăng lãi suất và thực hiện chương trình thắt chặt định lượng để chống lạm phát.

Trước đó, trong báo cáo "Cập nhật vĩ mô – Lộ trình tăng lãi suất của Fed sẽ nhanh và mạnh mẽ hơn" của VNDirect công bố ngày 17/6, Công ty Chứng khoán này nhận định, với việc Fed đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, dư địa để Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng đang ngày một thu hẹp.

Tuy vậy, VNDirect cho rằng NHNN sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ “phù hợp”, chưa vội thắt chặt chính sách ngay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và ổn định thị trường.

Đối với lãi suất điều hành, nếu có bất kỳ đợt tăng nào trong năm nay thì khả năng cao sẽ diễn ra vào quý IV/2022 và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5%, theo quan điểm của VNDirect.

Tin liên quan

Đọc tiếp