Fed tăng lãi suất mạnh nhất trong gần 30 năm, nguy cơ suy thoái của Mỹ ngày càng hiện hữu

LÃI SUẤT FED
08:23 - 16/06/2022
Fed tăng lãi suất mạnh nhất trong gần 30 năm, nguy cơ suy thoái của Mỹ ngày càng hiện hữu
0:00 / 0:00
0:00
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa có nước đi quyết liệt nhất trong nhiều thập kỷ nhằm sớm kiểm soát lạm phát khi nâng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 15/6 (giờ địa phương) đã thông báo nâng lãi suất thêm 0,75% để đối phó tình hình lạm phát tồi tệ nhất nhiều thập kỷ.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1994, Fed nâng lãi ở mức này. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 1,5% - 1,75%. Quyết định này đã được 10/11 thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang ủng hộ. Như vậy từ 15/6, lãi suất tại Mỹ sẽ dao động ở mức từ 1,5% - 1,75%, cao nhất từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Biểu đồ lãi suất tham chiếu tại Mỹ. Nguồn: CNN,
Biểu đồ lãi suất tham chiếu tại Mỹ. Nguồn: CNN,

Phát biểu tại họp báo, ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho hay: Rõ ràng mức tăng 75 điểm cơ bản là lớn bất thường và tôi không kỳ vọng những lần tăng lãi suất mạnh như hôm nay diễn ra thường xuyên trong tương lai.

Ông cũng dự báo lãi suất có thể tiếp tục tăng thêm 5 điểm cơ bản hoặc 75 điểm cơ bản trong kỳ họp tới. Quyết định sẽ được thống nhất trong từng phiên họp và Fed “sẽ tiếp tục truyền tải những ý định của mình một cách minh bạch nhất có thể”, ông nói.

Dẫu vậy, người đứng đầu Fed vẫn thừa nhận rằng khó để giảm lạm phát mà không làm ảnh hưởng đến thị trường lao động vì nhiều yếu tố thúc đẩy lạm phát nằm ngoài tầm kiểm soát của Fed, như xung đột ở Ukraine và sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

“Mọi thứ chẳng những không cải thiện, mà ngày càng trở nên thách thức hơn vì những tác động bên ngoài”, ông Powell nói tại cuộc họp báo.

Hạ dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2022 xuống còn 1,7%

Các thành viên FOMC cũng dự báo lộ trình nâng lãi suất quyết liệt hơn để kìm hãm lạm phát, vốn đang tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/1981.

Trong biểu đồ khảo sát quan điểm của các thành viên, lãi suất tiêu chuẩn vào cuối năm nay được kỳ vọng sẽ tăng lên mức 3,4%, hơn 1,5 điểm % so với ước tính hồi tháng 3.

Trong năm 2023, lãi suất dự kiến sẽ được duy trì ở mức 3,8%. Với mức tăng lãi suất như vậy, dự báo lạm phát cơ bản tại Mỹ sẽ được khống chế ở 4,3% vào cuối năm nay và giảm xuống còn 2,7% trong năm 2023 và sự đánh đổi về mặt kinh tế thì cũng rất rõ. FED dự báo, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2022 chỉ đạt 1,7%, giảm so với mức 2,8% được đưa ra vào tháng 3.

Quý I/2022, Mỹ ghi nhận tăng trưởng âm 1,4%. Thông qua bộ theo dõi GDPNow, tăng trưởng quý II/2022 được ghi nhận đang đi ngang làm dấy lên lo ngại về suy thoái.

Trong khi đó, thị trường việc làm đến nay vẫn là một điểm sáng của nền kinh tế Mỹ, mặc dù mức tăng 390.000 việc làm mới của tháng 5 là thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Thu nhập trung bình hàng giờ đã tăng về danh nghĩa, nhưng nếu trừ đi tỷ lệ lạm phát thì thu nhập thực tế giảm 3% trong năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp, hiện ở mức 3,6%, được dự báo sẽ tăng lên 4,1% vào năm 2024.

Chống lạm phát đang là mục tiêu chính sách cao nhất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ trong giai đoạn này. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc tăng lãi suất nhanh và mạnh như hiện nay sẽ làm nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ trở nên rõ ràng hơn.

Wells Fargo hiện dự đoán rằng Mỹ sẽ đón một cuộc suy thoái nhẹ bắt đầu từ giữa năm 2023, khi lạm phát ăn sâu cắm rễ vào nền kinh tế và gây ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng, cũng như do Fed thực hiện các bước mạnh tay hơn để xử lý vấn đề này.

Cụ thể, trong một ghi chú giữa tuần này, nhà phân tích Jay Bryson của Wells Fargo cho biết tuần trước ông còn mong đợi Fed có thể thực hiện một cuộc hạ cánh mềm, nhưng kịch bản hiện tại là kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ.

Ở báo cáo khác, Moody’s Analytics cũng cho rằng khả năng Fed hạ cánh mềm nền kinh tế nay đã thấp hơn đáng kể. Ông Ryan Sweet, trưởng bộ phận nghiên cứu chính sách tiền tệ của Moody’s, cho hay: "Fed sẽ tăng lãi suất cho đến khi các nhà hoạch định chính sách phá vỡ lạm phát, nhưng rủi ro là họ cũng phá vỡ luôn nền kinh tế”.

“Tăng trưởng đang chững lại, nhưng tác động của việc thắt chặt các điều kiện trên thị trường tài chính cũng như dỡ bỏ chính sách tiền tệ lỏng lẻo tạm thời chưa ảnh hưởng đến nền kinh tế”, ông Sweet lưu ý thêm.

Cũng theo ước tính mới nhất của Bloomberg Economics, khả năng suy thoái vào đầu năm 2024 - vốn không đáng kể trong vài tháng trước, nay đã có xác suất tới 75%.

Đọc tiếp