Ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' chính thức hồi hương

ấn vàng Di sản
18:07 - 18/11/2023
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Ảnh: Cục Di sản văn hóa.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Ảnh: Cục Di sản văn hóa.
0:00 / 0:00
0:00
Sau nhiều tháng đàm phán và tiến hành các thủ tục cần thiết, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được đúc dưới thời vua Minh Mạng triều Nguyễn tròn 200 năm trước đã được chuyển giao từ Pháp về Việt Nam.

Chia sẻ với Mekong ASEAN, đại diện Cục Di sản văn hóa cho biết ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” đã được đưa về Việt Nam ngày 18/11. Lễ chuyển giao ấn vàng cho Việt Nam diễn ra vào chiều 16/11 ở Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Lễ Chuyển giao ấn vàng cho Việt Nam diễn tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Ảnh: Cục Di sản văn hóa.

Lễ Chuyển giao ấn vàng cho Việt Nam diễn tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Ảnh: Cục Di sản văn hóa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lựa chọn công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc Ninh là đại diện thực hiện các thủ tục tài chính liên quan đến quyền lợi các bên liên quan đến ấn vàng theo pháp luật của Pháp. Phía Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng sẽ lưu giữ, trưng bày ấn, đồng thời phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của bảo vật, theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Đặc biệt, Bộ cũng cho biết trong trường hợp có tổ chức, cá nhân mong muốn chuyển nhượng ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” từ phía Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng để hiến tặng cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì phía bảo tàng cam kết đồng thuận chuyển nhượng. Chi phí chuyển nhượng được tính theo chi phí chuyển giao trên.

Ông Nguyễn Thế Hồng, người sở hữu Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, là cá nhân đã chi 6,1 triệu Euro (hơn 153 tỷ đồng) mua ấn Hoàng đế chi bảo, dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam.

Đề cập quá trình hồi hương ấn vàng, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, tháng 10/2022, ngay khi tiếp nhận thông tin ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được đấu giá tại Pháp, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các Bộ: Ngoại giao, Tư pháp, Tài chính, Công an và các cơ quan, tổ chức liên quan chủ động, nỗ lực, khẩn trương tìm kiếm giải pháp đưa ấn vàng trở về với đất nước.

Sau nhiều cuộc họp đàm phán, thương lượng, các bên đã thống nhất việc chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho phía Việt Nam. Sau đúng một năm với sự phối hợp của các bên, các thủ tục pháp lý để đưa ấn vàng trở về Việt Nam đã được hoàn thành.

Đại diện Cục Di sản văn hóa thông tin thêm, trong thời gian tới sẽ tham mưu Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng danh mục cổ vật của Việt Nam bị đưa ra khỏi đất nước bất hợp pháp trong quá khứ và tham vấn Ban thư ký công ước Công ước 1970 của UNESCO về Danh mục để làm cơ sở tìm kiếm giải pháp đưa cổ vật Việt Nam từ nước ngoài về nước.

Ngày 19/10/2022, website của hãng đấu giá Millon đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của nhà Nguyễn, thuộc bộ sưu tập "Nghệ thuật Việt Nam" vào 11 giờ ngày 31/10/2022 (giờ Paris).

Sau đó, hãng này đã hai lần thông báo dời lịch đấu giá ấn vàng nhằm tạo điều kiện cho phía Việt Nam có thêm thời gian thương lượng để mua trực tiếp.

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841), được vua Bảo Đại khi thoái vị, chọn cùng thanh bảo kiếm mà phụ vương của ông là vua Khải Định (1916 - 1925) trao lại, để bàn giao cho chính quyền Cách mạng ngày 30/8/1945. Sau đó các bảo vật này đã lưu lạc sang Pháp và được công chúng biết đến từ thông báo của nhà đấu giá Millon.

Bên cạnh giá trị lịch sử, chính trị, văn hóa và nghệ thuật, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là di sản văn hóa có ý nghĩa hết sức quan trọng với dân tộc, là biểu trưng quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định của tiến trình lịch sử Việt Nam.

Đọc tiếp