Bộ Chính trị ra Nghị quyết về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học

CÔNG NGHỆ Việt nAM
23:18 - 06/02/2023
Bộ Chính trị ra Nghị quyết về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. 

Công nghiệp sinh học từng bước được hình thành; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất, thương mại hoá sản phẩm công nghệ sinh học trên một số lĩnh vực với quy mô lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu về công nghệ sinh học tăng cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, công nghệ sinh học phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực công nghệ sinh học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ. Một số lĩnh vực quan trọng của công nghệ sinh học lạc hậu so với khu vực và thế giới.

Công nghiệp sinh học chưa trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế, bất cập.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của không ít cấp uỷ, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công nghệ sinh học chưa đầy đủ. Cơ chế, chính sách chưa phù hợp, thiếu hấp dẫn để thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

Đầu tư cho phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Mối liên kết giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học chưa hiệu quả, còn lỏng lẻo.

Cần thiết phát triển công nghệ sinh học để phục vụ phát triển đất nước

Bộ chính trị cho rằng, phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới, là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế,

Cần tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực trọng điểm, cơ bản, nhất là tận dụng ưu thế về đa dạng sinh học để phát huy tốt nhất tiềm năng của Việt Nam.

Cần ưu tiên phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng. Lấy doanh nghiệp là chủ thể và có cơ chế, chính sách vượt trội tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp sinh học.

Bộ Chính trị đưa ra mục tiêu đến năm 2030, phát triển nền công nghệ sinh học của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu Châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học.

Công nghệ sinh học được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Xây dựng nền công nghệ sinh học có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á. Công nghiệp sinh học đóng góp 10 - 15% vào GDP.

5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghệ sinh học trong tình hình mới

Để thực hiện được mục tiêu trên, Bộ Chính trị đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trước tiên là các cấp cần thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới.

Cần xác định phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là một nội dung, nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, ngành, lĩnh vực.

Ngoài ra cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học nhằm thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học. Bảo đảm an toàn sinh học.

Cần có chính sách vượt trội, phù hợp để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, quốc phòng, an ninh.

Khuyến khích đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học đối với vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo. Khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghệ sinh học. Đào tạo, phát hiện, sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh học.

Xây dựng cơ chế bảo đảm mối liên kết, gắn bó giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học. Xây dựng, triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm công nghệ sinh học.

Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống như trong nông nghiệp, y tế, công nghiệp chế biến chế tạo, bảo vệ môi trường...

Phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sớm quy hoạch phát triển công nghiệp sinh học, khai thác tối đa lợi thế vùng nhằm sản xuất các sản phẩm chủ lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Liên kết các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm công nghệ sinh học. Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ sinh học nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, sở hữu trí tuệ. Khai thác, sử dụng hiệu quả các phát minh, sáng chế công nghệ sinh học có giá trị cao của thế giới, ứng dụng hiệu quả trong công nghiệp sinh học.

Xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

Cần nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo nhân lực công nghệ sinh học từ giáo dục phổ thông đến đại học và trên đại học. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp công nghệ sinh học, đơn vị sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nhân lực, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn.

Chú trọng xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu có uy tín đạt trình độ quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi, phát triển sản phẩm công nghệ sinh học mà Việt Nam có lợi thế.

Tiếp tục đầu tư hoàn thiện, sớm đưa các trung tâm công nghệ sinh học quốc gia ở ba miền Bắc, Trung, Nam vào hoạt động. Hiện đại hoá hệ thống phòng thí nghiệm, các trung tâm đánh giá, kiểm định, trung tâm kiểm soát dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hỗ trợ, phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học - công nghệ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học. Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ, thiết bị.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học, tuân thủ các điều ước quốc tế có liên quan đến công nghệ sinh học mà Việt Nam tham gia.Có chính sách mua, chuyển giao, trao đổi công nghệ sinh học, trong đó quan tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ có giá trị cao của thế giới vào Việt Nam.

Hợp tác nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế sinh học, quản lý tài nguyên, quản lý kinh tế, xã hội bền vững với các quốc gia có trình độ công nghệ sinh học phát triển.

Tin liên quan

Đọc tiếp