Bộ trưởng KH&ĐT: 'Công tác quy hoạch như công binh mở đường'

QUY HOẠCH QUỐC HỘI
12:27 - 30/05/2022
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, công tác quy hoạch được ví như là một người công binh mở đường, nếu mở đường thắng lợi thì cuộc chiến sẽ thắng lợi, còn nếu làm không tốt sẽ dẫn đến thất bại.

Số lượng quy hoạch giảm mạnh từ 3.654 xuống còn 111 quy hoạch

Trình bày báo cáo tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV ngày 30/5, đoàn giám sát của Quốc hội cho biết, về cơ bản, các nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt trong thời gian qua đã tuân thủ quy trình, thủ tục, nội dung quy định tại Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 của Chính phủ.

Điều quan trọng là, với việc xây dựng hệ thống quy hoạch quốc gia như trên, số lượng quy hoạch được lập cho cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh còn 111 quy hoạch, bao gồm: 1 quy hoạch tổng thể quốc gia, 1 quy hoạch không gian biển quốc gia, 1 quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 39 quy hoạch ngành cấp quốc gia, 6 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh.

Như vậy, số lượng quy hoạch đã giảm từ 3.654 quy hoạch thời kỳ trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực xuống còn 111 quy hoạch, giảm 3.543 quy hoạch (giảm 97%).

Cụ thể, quy hoạch ở cấp quốc gia giảm từ 270 xuống còn 41 quy hoạch; quy hoạch ở cấp vùng giảm từ 76 còn 6 quy hoạch; quy hoạch ở cấp tỉnh giảm từ 3.308 xuống còn 63 quy hoạch.

Không chỉ giảm về số lượng, quan trọng hơn, hệ thống quy hoạch quốc gia với 111 quy hoạch, thay thế cho trên 3.600 quy hoạch trước đây, đã thiết lập một hệ thống quy hoạch thống nhất, giản lược, có tầng bậc, tích hợp, dễ theo dõi và thực hiện, qua đó tập trung hiệu quả các nguồn lực khan hiếm của đất nước vào các mục tiêu phát triển, không gian phát triển mới, giá trị mới và động lực phát triển mới của quốc gia, vùng và địa phương.

"Công tác quy hoạch như công binh mở đường"

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên, Quy hoạch tổng thể quốc gia được triển khai lập ở nước ta. Việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia là cần thiết nhằm tạo ra sự thống nhất giữa chiến lược - quy hoạch - kế hoạch; giúp cho việc phân bổ nguồn lực quốc gia, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, công tác lập quy hoạch tổng thể quốc gia đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng.

Ảnh tác giả

Công tác quy hoạch được ví như là một người công binh mở đường, nếu mở đường thắng lợi thì cuộc chiến sẽ thắng lợi, còn nếu chúng ta làm không tốt sẽ dẫn đến sự thất bại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Theo ông Dũng, xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

"Một trong những quan điểm quan trọng về phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước khi lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính, các nguồn lực đất nước được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu tổng quát của xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Ưu tiên phát triển Hành lang kinh tế Bắc - Nam và Hành lang kinh tế Đông - Tây

Hiện nay, Quy hoạch tổng thể quốc gia đang được xây dựng, với một trong các quan điểm quan trọng là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, khắc phục tình trạng phát triển chia cắt theo địa giới hành chính, thúc đẩy liên kết giữa các vùng, địa phương để mở rộng không gian phát triển, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của quốc gia.

Cùng với đó, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để hình thành một số vùng động lực, các hành lang kinh tế, các cực tăng trưởng tại các khu vực có tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh, hiệu quả.

Đây là điều rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh nguồn lực có hạn. Chính vì vậy, Quy hoạch tổng thể quốc gia đang đề xuất tập trung hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam và các hành lang kinh tế Đông - Tây.

Trong đó, dự kiến có 2 hành lang Bắc - Nam, bao gồm: Hành lang phía Đông gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau và Hành lang phía Tây gắn với đường Hồ Chí Minh và đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây từ Cao Bằng đến Kiên Giang - Cà Mau.

Trong giai đoạn đến năm 2030, dự kiến ưu tiên phát triển Hành lang kinh tế phía Đông và phát triển dải ven biển.

Trong khi đó, về các hành lang kinh tế Đông - Tây, ưu tiên hình thành các hành lang kinh tế có các điều kiện thuận lợi, có trục giao thông quan trọng, thường là đường cao tốc; gắn với các đầu mối giao thương quan trọng như cảng biển, cửa khẩu quốc tế, sân bay quốc tế.

Bên cạnh đó, ưu tiên các địa phương trên hành lang có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị, ưu tiên các hành lang có khả năng liên kết với các hành lang kinh tế khu vực và quốc tế.

Trên các hành lang kinh tế sẽ định hướng bố trí các trung tâm kinh tế, trung tâm dịch vụ, du lịch gắn với các đô thị lớn, các cửa khẩu, các đầu mối giao thông quan trọng trên hành lang.

Trong khi đó, về các vùng động lực, hiện nay, cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm với quy mô khá lớn, gồm 24/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Do quy mô các vùng kinh tế trọng điểm quá lớn, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội nên chưa thực sự trở thành các vùng động lực, nhiều địa phương thuộc các vùng kinh tế trọng điểm có trình độ phát triển dưới hoặc tương đương mức trung bình cả nước.

Do vậy, Quy hoạch tổng thể quốc gia dự kiến trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay, lựa chọn một số địa bàn có vị trí thuận lợi nhất, có sân bay quốc tế cửa ngõ và cảng biển cửa ngõ quốc tế kết hợp trung chuyển, có tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao để hình thành các vùng động lực của quốc gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp