Bộ Y tế kiến nghị các giải pháp cho đấu thầu thuốc, thiết bị y tế

Thuốc Y Tế
07:27 - 10/02/2023
Bộ Y tế kiến nghị các giải pháp cho đấu thầu thuốc, thiết bị y tế
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 9/2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ Y tế về tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc đấu thầu, mua sắm thuốc

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đã công bố danh mục 10.484 thuốc hết hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành và được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2022; thực hiện cấp, gia hạn cho 2.875 thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Hiện Việt Nam có xấp xỉ 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại, cơ bản đảm bảo được nguồn cung thuốc. Đối với mua sắm thuốc, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Theo đó, việc tổ chức đấu thầu thuốc được thực hiện ở 3 cấp, từ trung ương tới địa phương.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, thời gian qua, việc cung ứng, mua sắm một số loại thuốc, nhất là thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm tại một số cơ sở y tế công lập gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác khám, điều trị cho người dân.

Việc cấp phép đăng ký, nhập khẩu, kinh doanh dược gặp khó khăn do trình tự, thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được quy định "cứng" trong Luật Dược, trong khi đó, quy định về quản lý dược của nhiều nước đã có sự thay đổi, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19.

Số lượng hồ sơ yêu cầu gia hạn ngày càng tăng, nhân lực quản lý, thực hiện việc gia hạn đăng ký lưu hành tại Bộ Y tế còn thiếu, chất lượng hồ sơ do doanh nghiệp nộp chưa cao...

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với Bộ Y tế. Ảnh: suckhoevadoisong.vn

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên báo cáo về những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với Bộ Y tế. Ảnh: suckhoevadoisong.vn

Bộ Y tế kiến nghị một số giải pháp cho ngành y

Để giải quyết những khó khăn trong việc đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã đẩy nhanh tốc độ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc thông qua việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tổ chức các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

Bộ chỉ đạo bảo đảm nguồn cung đối với một số thuốc hiếm, thuốc có nguồn cung hạn chế; thực hiện việc điều chỉnh giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan.

Thực hiện phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm tập thuốc quốc gia, đàm phán giá.

Liên quan đến công tác quản lý, mua sắm trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với tất cả các thủ tục hành chính về trang thiết bị y tế.

Đến nay, Bộ đã tiếp nhận, xử lý và công bố, cấp phép, cấp số lưu hành 30.284 hồ sơ công bố đối với trang thiết bị y tế loại A; 12.854 hồ sơ công bố đối với trang thiết bị y tế loại B; 1.247 hồ sơ đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế loại C, D; 278 giấy phép nhập khẩu theo Điều 48 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP.

Đồng thời, Bộ Y tế đã và đang triển khai các giải pháp về hoàn thiện hành lang pháp lý. Bộ kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược; cho phép xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho điều trị các bệnh hiếm gặp để kịp thời phục vụ công tác mua sắm, điều trị của các cơ sở y tế; có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

Bộ kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Ngân sách Nhà nước, trong đó miễn tiền thuê đất cho cơ sở y tế. Trong khi chưa hoàn thành sửa đổi Luật, kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn tiền thuê đất.

Bộ Y tế cần báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành các nghị quyết chuyên đề

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ đại dịch đã gây ra tác động to lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành y tế, như tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế.

Nhiều mô hình thí điểm tự chủ hoàn toàn đến nay không còn phù hợp. Công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, xã hội hóa xảy ra những bất cập không lường trước được. Đầu tư công chưa hiệu quả, tản mạn. Nhiều cán bộ y tế xin rút khỏi ngành…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc.

Liên quan đến việc tháo gỡ về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề quan trọng, có thể làm ảnh hưởng đến dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân. Vì vậy, ngành cần rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định.

Đối với việc sửa đổi các văn bản pháp luật, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế cần tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, tham gia vào việc sửa đổi các Luật có liên quan.

Các sở y tế, cơ sở y tế cần đề xuất những vấn đề trong thực tế vào việc sửa đổi. Đối với những vấn đề cấp bách cần thực hiện ngay, không thể chờ đến khi sửa Luật, Nghị định, Bộ Y tế cần báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành các nghị quyết chuyên đề.

Đồng thời, Bộ cần rà soát, đề xuất sửa đổi các nghị định; bãi bỏ, sửa đổi các Thông tư không còn phù hợp. Trước mắt, Bộ cần sớm triển khai việc hướng dẫn thi hành Luật Khám, chữa bệnh có hiệu lực từ 1/1/2024.

Tin liên quan

Đọc tiếp