Cà Mau gìn giữ tiếng Khmer và tiếng Hoa cho trẻ em dân tộc thiểu số

Cà Mau dân tộc
23:23 - 31/08/2023
Một lớp học ngôn ngữ hè năm 2023 tại Cà Mau. Ảnh: Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau
Một lớp học ngôn ngữ hè năm 2023 tại Cà Mau. Ảnh: Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 31/8, Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau đã thực hiện tổng kết công tác dạy và học chữ Khmer, chữ Hoa mùa hè năm 2023.

Giai đoạn hè năm 2023, tỉnh Cà Mau có 18 điểm dạy và học chữ Khmer, có 25 giáo viên tham gia công tác. Toàn tỉnh có 37 lớp, bao gồm 20 lớp 1 và 7 lớp 2, 506 học sinh tham gia theo học; có 1 điểm dạy chữ Hoa với 10 lớp học và 74 học sinh, 9 giáo viên tham gia.

Theo tỉnh Cà Mau, việc tổ chức giảng dạy các lớp học ngôn ngữ Khmer và Hoa mùa hè năm 2023 giúp các em nắm vững kỹ năng đọc, viết từ thông dụng. Từ đó, các em có thể giao tiếp bằng tiếng dân tộc mình, đồng thời nâng cao kiến thức, hiểu biết về phong tục tập quán, gìn giữ ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc mình.

Cũng tại buổi tổng kết, Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau đã tặng giấy khen cho 4 tập thể và 16 cá nhân (gồm giáo viên và các vị sư) có thành tích nổi bật trong công tác tuyên truyền, dạy học, bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer, Hoa trong dịp hè năm 2023.

Trước đó, Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 26/KH-BDT ngày 9/5/2023 về tổ chức dạy và học chữ Hoa, Khmer hè năm 2023. Các địa phương có nhu cầu dạy và học bao gồm Trần Văn Thới, U Minh, Đầm Dơi và Thới Bình.

Đến ngày 5/6, các địa phương đồng loạt thực hiện khai giảng các lớp học.

Công tác giảng dạy tổ chức tại các điểm chùa, trường và hộ dân trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Riêng công tác dạy chữ Hoa là 9 tháng/năm, tại Trung tâm Tiếng Hoa Dục Tài đặt tại phường 2, TP Cà Mau. Các đối tượng tham gia là trẻ em dân tộc Khmer, dân tộc Hoa từ 6 tuổi trở lên có nhu cầu tham gia.

Đọc tiếp