Các đại gia công nghệ lập quyền kiểm soát mạng cáp quang biển

CÔNG NGHỆ THẾ GIỚI
10:33 - 16/01/2022
Các đại gia công nghệ lập quyền kiểm soát mạng cáp quang biển
0:00 / 0:00
0:00
Các tập đoàn Google, Amazon, Meta và Microsoft đang gia tăng kiểm soát cơ sở hạ tầng cáp quang dưới biển của mạng Internet toàn cầu, nhằm giúp họ tự chủ hơn trong việc đáp ứng nhu cầu băng thông rộng rãi. 

Giành quyền kiểm soát từ các tập đoàn viễn thông và chính phủ

Mạng lưới cáp quang biển xử lý đến 95% lưu lượng truy cập Internet quốc tế trên thế giới, liên kết với nhiều trung tâm dữ liệu của thế giới, nơi đặt các máy chủ khổng lồ để xử lý các thuật toán giúp biến tất cả dữ liệu thành trải nghiệm Internet của con người. Mạng lưới hoàn toàn chạy ngầm dưới đáy các đại dương này có chiều dài khoảng 1,3 triệu km cáp bó cáp sợi thủy tinh.

Trước đây, phần lớn cáp quang Internet dưới đáy biển đều do các tập đoàn viễn thông và các chính phủ kiểm soát và sử dụng. Tuy nhiên, trong vòng chưa đầy một thập niên gần đây, bốn “gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ gồm Microsoft, Alphabet (công ty mẹ của Google), Meta (Công ty mẹ của Facebook) và Amazon đã trở thành những bên sử dụng phần lớn công suất truyền tải dữ liệu của hệ thống cáp quang toàn cầu.

Trước năm 2012, các tập đoàn này chỉ sử dụng chưa đến 10% dung lượng cáp quang dưới biển của thế giới, nhưng đến năm 2021, con số đó là khoảng 66%.

4 gã khổng lồ công nghệ thiết lập quyền kiểm soát mạng lưới cáp quang dưới biển.

4 gã khổng lồ công nghệ thiết lập quyền kiểm soát mạng lưới cáp quang dưới biển.

Theo công ty phân tích cáp biển TeleGeography, trong ba năm tới, những “ông lớn” công nghệ nói trên sẽ trở thành nhà đầu tư và chủ sở hữu chính của mạng lưới cáp quang Internet dưới đáy biển, kết nối các quốc gia giàu có nhất và có nhu cầu sử dụng băng thông rộng lớn nhất ở hai bên bên bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Đến năm 2024, cả 4 tập đoàn công nghệ trên dự kiến ​​sẽ có cổ phần sở hữu trong hơn 30 tuyến cáp quang dài dưới biển với mỗi tuyến dài lên đến hàng ngàn km, kết nối mọi lục địa trên thế giới ngoại trừ Nam cực.

Việc các nhà cung cấp dịch vụ nội dung Internet và nền tảng thị trường trực truyến lớn nhất thế giới sở hữu cơ sở hạ tầng mà tất cả dịch vụ này được phân phối đang ít nhiều gây ra lo ngại. Đây là điều dễ hiểu nếu như chúng ta hình dung viễn cảnh Amazon sở hữu những tuyến đường mà công ty này phân phối các gói hàng.

Nhưng xét một góc độ khác, sự tham gia của tập đoàn công nghệ vào ngành công nghiệp cáp quang cũng giúp giảm chi phí truyền dữ liệu qua các đại dương cho tất cả người dùng và ngay cả các đối thủ cạnh tranh của họ.

Chia sẻ băng thông giữa các đối thủ cạnh tranh

Các tập đoàn công nghệ trên cho biết họ lắp đặt các tuyến cáp quang xuyên đại dương để tăng khả năng kết nối băng thông rộng ở các khu vực phát triển nhất trên thế giới và cải thiện khả năng kết nối cho các khu vực còn thiếu đầu tư như châu Phi và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất. Timothy Stronge, Phó chủ tịch TeleGeography, cho biết: "Sự gia nhập của họ vào lĩnh vực cáp quang dưới biển ban đầu được thúc đẩy bởi chi phí mua dung lượng cáp do các bên khác sở hữu ngày càng tăng. Chính vì thế, khi nhu cầu sử dụng băng thông rộng của họ đang tăng cao, việc họ cần phát triển hệ thống cáp quang của riêng mình là tất yếu."

Ông cho biết thêm, điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của những công ty điều hành cáp quang truyền thống như NEC, ASN và SubCom.

Trong thực tế, hầu hết các dự án cáp quang ngầm dưới biển đều là sự hợp tác giữa các đối thủ. Chẳng hạn như, tuyến cáp quang Marea, trải dài khoảng 6.600 km giữa Virginia Beach ở Mỹ và Bilbao ở Tây Ban Nha, được hoàn thành vào năm 2017, thuộc sở hữu của Microsoft, Meta và Telxius, một công ty con của tập đoàn viễn thông của Tây Ban Nha.

Năm 2019, Telxius thông báo Amazon đã ký một thỏa thuận để sử dụng một trong tám cặp sợi quang trong tuyến cáp đó. Về lý thuyết, con số đó đại diện cho một phần tám trong công suất truyền tải dữ liệu 200 TB/giây của nó, đủ để phát trực tuyến hàng triệu bộ phim chất lượng HD cùng một lúc.

Frank Rey, Giám đốc cấp cao của bộ phận hệ thống hạ tầng đám mây Azure của Microsoft, cho biết: “Chia sẻ cáp với các đối thủ cạnh tranh, như cách mà Microsoft đã làm ở tuyến cáp Marea, là chìa khóa để đảm bảo các dịch vụ đám mây của công ty luôn sẵn sàng hoạt động”.

Tuy nhiên, Google là một ngoại lệ đối với xu hướng hợp tác này. Google là chủ sở hữu duy nhất của 3 tuyến cáp ngầm khác nhau và con số đó được TeleGeography dự đoán sẽ đạt 6 vào năm 2023.

Vijay Vusirikala, Giám đốc cấp cao phụ trách về tất cả cơ sở hạ tầng cáp quang trên mặt đất và dưới biển của Google, cho biết: "Google đã xây dựng các tuyến cáp quang do chính công ty sở hữu và vận hành vì hai lý do. Đầu tiên là công ty cần chúng để cung cấp nhanh chóng các dịch vụ của riêng mình, chẳng hạn như dịch vụ tìm kiếm và phát trực tuyến trên YouTube. Thứ hai, công ty sẽ giành được lợi thế trong cuộc chiến giành khách hàng ở mảng dịch vụ đám mây."

Tin liên quan

Đọc tiếp

Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Trong quý 1/2024, Grab ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh và khoản lỗ được thu hẹp. Hầu hết các mảng kinh doanh của công ty đều có cải thiện, nhờ lượng khách du lịch tăng cao trong các đợt lễ hội và các buổi hòa nhạc lớn ở khu vực Đông Nam Á.
Google trình làng loạt sản phẩm AI tại sự kiện Google I/O 2024.

Google trình làng loạt sản phẩm AI

Tại hội nghị thường niên Google I/O 2024 dành cho nhà phát triển diễn ra tối 14/5 (theo giờ Mỹ), Google giới thiệu loạt sản phẩm trí tuệ nhân tạo, từ các mô hình nhỏ chạy cục bộ cho đến mô hình ngôn ngữ lớn với hàng chục tỷ tham số.