UOB dùng 3,6 tỷ USD thâu tóm mảng ngân hàng tiêu dùng của Citigroup

TÀI CHÍNH asean
18:37 - 15/01/2022
Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) - tập đoàn tài chính lớn thứ 3 Đông Nam Á. Ảnh: UOB
Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) - tập đoàn tài chính lớn thứ 3 Đông Nam Á. Ảnh: UOB
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng UOB của Singapore cho biết sẽ mua lại các các chi nhánh ngân hàng tiêu dùng của Citigroup tại 4 nước ASEAN bao gồm Việt Nam, một sự hợp nhất quy mô lớn tại khu vực mà các dịch vụ số đang ngày càng trở nên quan trọng.

Theo thông báo, UOB sẽ mua lại các doanh nghiệp cho vay tín chấp và có bảo đảm của Citigroup, đồng thời cũng sẽ mua cả các doanh nghiệp quản lý tài sản và tiền gửi bán lẻ. Bốn thị trường Đông Nam Á lớn mà UOB sẽ tiếp quản từ ngân hàng Mỹ chính là Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

UOB cho biết thêm các doanh nghiệp của Citi mà ngân hàng mua lại có giá trị tài sản ròng khoảng 2,97 tỷ USD tính đến tháng 6 năm ngoái. Ngân hàng này cũng đã thêm một khoản phí bảo hiểm khoảng 667,7 triệu USD cho giao dịch mua lại này. Việc này sẽ khiến giá trị của giao dịch này đạt khoảng 3,6 tỷ USD.

Dự kiến đến giữa 2022 đến đầu năm 2024, thương vụ này sẽ được hoàn thành, tùy vào quy trình phê duyệt theo quy định tại từng thị trường. Đồng thời 5.000 nhân viên của Citi trong các doanh nghiệp trên cũng sẽ được chuyển sang tập đoàn UOB.

Thỏa thuận này xảy ra trong bối cảnh Citi đang có kế hoạch tái cơ cấu trên phạm vi toàn cầu. Vào tháng 4/2021, ngân hàng Mỹ này đã cho biết mình có ý định rút khỏi 13 thị trường, bao gồm cả 4 quốc gia Đông Nam Á. Thông qua các quy trình đấu giá, ngân hàng này đã tìm kiếm những người mua tiềm năng.

Trong tuyên bố hôm 13/1, Giám đốc tài chính của Citi Mark Mason chia sẻ rằng việc bán các chi nhánh của mình tại bốn thị trường ASEAN thể hiện sự “cấp bách trong việc thực hiện quá trình đổi mới chiến lược” của tập đoàn.

Citigroup hiện có 2 chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam đặt ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Citibank

Citigroup hiện có 2 chi nhánh ngân hàng tại Việt Nam đặt ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Citibank

Về phía UOB, thỏa thuận này sẽ cho phép ngân hàng Singapore ngay lập tức mở rộng cơ sở khách từ 2,9 triệu khách hàng bán lẻ lên 5,3 triệu tại 4 thị trường ASEAN. Giám đốc điều hành UOB Wee Ee Cheong cho biết: "Tốc độ tiếp cận thị trường là rất quan trọng và chúng tôi cần mở rộng quy mô”.

Cũng theo ngân hàng này, Thái Lan sẽ là thương vụ mua lại lớn nhất trong 4 thị trường và sẽ giúp nâng lượng khách hàng của UOB tại quốc gia này từ 1,3 triệu người lên 2,4 triệu người. Với thương vụ tại Malaysia, số lượng khách hàng mà UOB đạt được sẽ tăng từ 900.000 lên tới 1,5 triệu người.

Thương vụ mua lại này cũng sẽ giúp UOB tăng cường sự hiện diện của mình tại các thị trường khác – những nơi mà ngân hàng này đang cạnh tranh với các ngân hàng lớn tại địa phương như Ngân hàng Bangkok của Thái Lan và Ngân hàng Malayan tại Malaysia.

UOB cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực kinh doanh số bao gồm cả nền tảng ngân hàng số dựa trên điện thoại thông minh. Dịch vụ này của UOB có tên là TMRW và được thiết kế để nhắm đến các đối tượng người dùng trẻ tuổi tại Indonesia và Thái Lan.

Ông Wee cho biết UOB nhìn nhận TMRW là công cụ giúp tiếp cận nhiều khách hàng hơn trong khu vực. Trên hết, nó cũng sẽ bổ trợ cho việc mở rộng cơ sở tiêu dùng bán lẻ của ngân hàng tại bốn thị trường Đông Nam Á.

UOB không phải là ngân hàng duy nhất tại Singapore đang thực hiện những động thái mở rộng thị trường. Sự phổ biến ngày càng tăng của các ngân hàng số tại Đông Nam Á cũng là một lí do khiến cho các ngân hàng truyền thống phải đẩy mạnh quá trình đổi mới và mở rộng cơ sở khách hàng.

Nguyên nhân do tại khu vực này, dư địa thị trường vẫn còn rất lớn khi hàng triệu người trưởng thành tại đây vẫn chưa sở hữu tài khoản ngân hàng. Các đối tượng khách hàng này tạo ra một thị trường chưa được tiếp cận tiềm năng cho các doanh nghiệp fintech, những doanh nghiệp nhắm đến việc cung cấp dịch vụ giá rẻ dựa trên nền tảng số hóa.

Tại thị trường bản địa Singapore, chính phủ gần đây cũng đã cấp giấy phép hoạt động ngân hàng số cho 4 doanh nghiệp không phải là ngân hàng truyền thống. Trong năm nay, các công ty này sẽ chính thức đi vào hoạt động và có khả năng lớn sẽ cướp được thị phần từ tay các ngân hàng lớn, đặc biệt là Grab và Sea – 2 kì lân fintech đã niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq. Nhờ vào các dịch vụ trực tuyến vốn có của mình mà hai tập đoàn này sở hữu được cơ sở khách hàng khổng lồ và sẽ trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng gớm.

Do đó dù là các ngân hàng thống trị thị trường, UOB, OCBC và DBS đều đang có những động thái nhất định để giữ vững vị thế của mình.

Đọc tiếp