Cảng nước sâu Trần Đề giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL

Cảng nước sâu Trần Đề kỳ vọng giúp Sóc Trăng trở thành một thành phố biển

cảng biển Sóc Trăng
11:14 - 30/04/2022
Sóc Trăng được ví như “con rồng thứ chín” của sông Cửu Long do có nhánh sông thứ chín đổ ra Biển Đông tại cửa Trần Đề. Khu vực này cũng là lợi thế để Sóc Trăng phát huy tiềm năng lợi thế ven biển, đặc biệt là hưởng lợi lớn từ dự án cảng biển nước sâu Trần Đề.

Cảng Trần Đề là một trong các dự án tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm trong danh mục kêu gọi đầu tư năm 2022. Dự án không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mà còn giữ vai trò hỗ trợ, thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề khác cùng phát triển.

Toàn vùng ĐBSCL hiện có 7 cảng biển, với 31 bến cảng, nhưng chỉ đảm nhận được 20% - 25% tổng lượng hàng có nhu cầu vận tải bằng đường biển của cả vùng, trong khi chưa có cảng tiếp nhận được tàu có tải trọng trên 20.000 DWT. Cảng lớn nhất trong vùng là cảng Cái Cui (Cần Thơ) có năng lực tiếp nhận tàu trên 20.000 DWT, nhưng bị hạn chế của luồng sông Hậu nên cũng chưa khai thác hết công suất.

Tổng chiều dài đường thủy vùng ĐBSCL hơn 14.826km, có tới 57 cảng thuỷ nội địa và 3.988 bến thuỷ nội địa. Tuy nhiên, trên 85% các cảng phân tán, manh mún, phần lớn chỉ có công suất xếp dỡ nhỏ hơn 10.000 tấn/năm và chưa có bến gom hàng cho các cảng thuỷ nội địa lớn trong vùng.

Do không có cảng lớn, tất cả hàng hóa về 13 tỉnh ĐBSCL đều phải chuyển từ TPHCM hoặc ở Đông Nam Bộ. Chi phí logistics cao khiến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL như gạo, trái cây, thủy hải sản... đều bị giảm sức cạnh tranh và đội chi phí lên rất nhiều.

Trong khi đó, cửa sông Trần Đề nằm trên sông Hậu, có độ sâu lớn, diện tích mặt nước rộng, cách biển khoảng 10km. Địa điểm xây dựng cảng Trần Đề thuộc địa bàn huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu với vị trí địa lý phía Bắc giáp rạch Bãi Giá, phía nam giáp cửa sông Mỹ Thanh, phía đông giáp đường Nam Sông Hậu tức quốc lộ 91B và phía tây giáp Biển Đông…

Vị trí của dự án có thể giúp kết nối nhanh chóng tới các vùng lân cận trong và ngoài tỉnh thông qua các tuyến đường Quốc lộ Nam Sông Hậu (QL91B), tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến đường ven biển, tuyến đường Bắc - Nam… rất thuận lợi để phát triển thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của vùng và của khu vực.

Trong buổi làm việc cùng lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng ngày 28/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định với điều kiện, tiềm năng, thế mạnh sẵn có, trong vòng khoảng 5-7 năm tới, Sóc Trăng sẽ có hệ thống hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ trong tổng thể khu vực ĐBSCL, cả về đường bộ, đường không, hàng hải, vận tải ven biển.

Cảng nước sâu Trần Đề là một điểm nhấn chỉ có ở Sóc Trăng và không cảng nào trong vùng so sánh được. Vị trí này có thể xây dựng cảng nước sâu tốt nhất của vùng và đây cũng là điểm đột phá chung của Sóc Trăng cũng như cả vùng ĐBSCL.

Trong khi đó, hiện nay có nhiều quyết sách được ban hành nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển vùng ĐBSCL nói chung, trong đó có tỉnh Sóc Trăng và cảng Trần Đề nói riêng. Gần đây nhất là Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước đó là Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.

Ngoài ra còn có Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 01/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành danh mục kêu gọi đầu tư quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư vào dự án cảng biển Trần Đề.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Sóc Trăng, mục tiêu của Dự án Xây dựng cảng biển Sóc Trăng (khu bến Trần Đề) là đầu tư xây dựng cảng biển, khu bến cầu cảng và hệ thống kho bãi, dịch vụ logistics phục vụ cảng biển. Tổng diện tích khu vực dự án là 4.550 ha, bao gồm đất bãi bồi, đất rừng phòng hộ...

Doanh nghiệp đầu tư vào dự án cảng Trần Đề cũng sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu… Cụ thể, doanh nghiệp được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Ngoài ra, doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê. Ngoài ra, còn được miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định và miễn thuế trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất, đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện phải nhập khẩu để sản xuất mà trong nước chưa sản xuất được.

Cảng nước sâu Trần Đề có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 50.000 tỷ đồng và theo chỉ đạo của Chính phủ, việc xây dựng cảng sẽ được xã hội hóa. Việc Chính phủ cho phép bổ sung cảng Trần Đề vào quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam là bước đi đầu tiên về pháp lý để kêu gọi các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Luật Đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP sẽ là căn cứ cho việc thu hút vốn xã hội hóa xây dựng một cảng biển nước sâu trong tương lai.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Nghị quyết 13-NQ/TW đã đặt nhiệm vụ đến năm 2030 "hoàn chỉnh hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng".

Theo Quy hoạch này, tại cảng quốc tế Trần Đề, khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics với diện tích khoảng 4.000ha, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, container có trọng tải từ 50.000-160.000 DWT. Khu cảng ngoài khơi Trần Đề với diện tích 1.000 ha, có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 160.000 DWT, công suất dự kiến khoảng 150 triệu tấn/năm. Ngoài ra, Chính phủ đã bổ sung vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho tỉnh Sóc Trăng để xây dựng cầu cảng dài 16 km vươn ra biển.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định vị trí quy hoạch cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL tại khu vực ngoài khơi cửa biển Trần Đề, do khu vực này nằm tại trung tâm vùng hạ lưu sông Hậu, kết nối đường thủy nội địa liên vùng ĐBSCL – Đông Nam Bộ, sông Hậu đi/đến Campuchia. Đường bộ kết nối quốc lộ Nam Sông Hậu, quốc lộ 60, quốc lộ 1, hệ thống giao thông địa phương thuận lợi đến trung tâm vùng và các cảng biển, trung tâm logistics trong vùng đã và đang được đầu tư xây dựng.

Cảng nước sâu Trần Đề có vị trí thuận lợi để phát triển thành trung tâm chung chuyển hàng hóa của vùng ĐBSCL và của khu vực

Cảng nước sâu Trần Đề có vị trí thuận lợi để phát triển thành trung tâm chung chuyển hàng hóa của vùng ĐBSCL và của khu vực

Mới đây, Bộ Chính trị đã thống nhất đầu tư cho ĐBSCL khoảng 150.000 tỉ đồng để đẩy mạnh đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc trọng điểm, trong đó có hai trục lớn là tuyến cao tốc TP HCM - Cần Thơ - Cà Mau và tuyến Châu Đốc (An Giang) - Cần Thơ - Trần Đề (Sóc Trăng). Ngoài ra, trục kinh tế Đông – Tây, Bắc – Nam được đầu tư sẽ hỗ trợ đặc biệt cho cảng Trần Đề. Tổng chiều dài đường cao tốc trong khu vực sẽ tăng từ khoảng 40km vào thời điểm đầu nhiệm kỳ lên khoảng 500km vào năm 2025, 2026.

Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải đang thực hiện các thủ tục triển khai xây dựng cầu Đại Ngãi trên địa bàn các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng với kinh phí hơn 8.000 tỷ đồng. Đây cũng là cây cầu cuối cùng trên Quốc lộ 60 để kết nối các tỉnh phía đông ĐBSCL.

Ngoài đường bộ và đường thủy, Sóc Trăng cũng có vị trí thuận lợi về hàng không khi chỉ cách sân bay Cần Thơ khoảng 60 km. Về lâu dài, Bộ Giao thông vận tải cũng đang nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt kết nối TP HCM – Cần Thơ – Sóc Trăng (cảng Trần Đề). Khu vực quanh cảng Trần Đề có tiềm năng rất lớn cho phát triển các khu công nghiệp vì gần cảng nước sâu, chi phí vận tải rất thấp.

Theo phương án quy hoạch cảng Trần Đề, công suất bốc xếp dự báo đến năm 2030 vào khoảng 55-58 triệu tấn hàng hóa/năm chưa bao gồm các khu bến thủy nội địa và trong các năm tiếp theo tiềm năng có thể phát triển đến công suất 130-150 triệu tấn/năm. Khi hình thành cảng nước sâu, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, mỗi hệ thống cảng sẽ được phân chia phục vụ các thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu khác nhau. Tiềm năng lớn từ lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của ĐBSCL đi Bắc Mỹ, châu Âu và hàng quá cảnh sẽ là lực hút hấp dẫn các nhà đầu tư.

Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, không ít doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã đến làm việc với Tỉnh ủy và UBND tỉnh để đăng ký đầu tư. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của dự án này.

Còn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể kỳ vọng Sóc Trăng có thể trở thành một thành phố biển như Hải Phòng và TP HCM trong tương lai.

Đọc tiếp