Cao tốc ĐBSCL: Muốn giải phóng mặt bằng nhanh phải chọn khu tái định cư tốt

CAO TỐC Việt nAM
16:41 - 27/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại chuyến khảo sát thực địa dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, sáng 27/7.

Báo cáo Phó Thủ tướng và đoàn công tác, đơn vị tư vấn cho biết, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài hơn 188km, điểm đầu kết nối QL91 thuộc TP Châu Đốc (tỉnh An Giang), điểm cuối giao đường Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng).

Trong đó, chiều dài tuyến qua địa phận tỉnh An Giang hơn 56km, TP Cần Thơ hơn 37km, tỉnh Hậu Giang hơn 37km và tỉnh Sóc Trăng hơn 56 km. Dự án được chia làm 4 dự án thành phần, nguồn vốn đầu tư công. Tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng.

Giai đoạn 1 dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.205ha.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, vấn đề quan trọng của dự án hiện nay là nhu cầu khối lượng cát rất lớn, hơn 18 triệu khối. Do đó, các địa phương có mỏ cát như An Giang, Đồng Tháp… cần ưu tiên nguồn cát cho dự án.

Đồng thời, ông cũng đề nghị các địa phương khi thực hiện quy hoạch khu tái định cư thì nên chọn những khu vực gần các nút giao của tuyến cao tốc vì vị trí thuận lợi sẽ tạo được sự đồng thuận của người dân, công tác giải phóng mặt bằng cũng sẽ nhanh hơn.

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, để việc giải phóng mặt bằng được nhanh và thuận lợi thì việc lựa chọn vị trí khu tái định cư là rất quan trọng. Từ đó, Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương khi quy hoạch các khu tái định cư cần chọn những khu vực thuận lợi cho các hoạt động sinh kế của người dân.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác khảo sát thực địa dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng đoàn công tác khảo sát thực địa dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Về vấn đề vật liệu xây dựng, nhất là cát, Phó Thủ tướng nêu rõ đây là yếu tố quan trọng, liên quan mật thiết đến tiến độ của dự án bởi không đủ vật liệu xây dựng thì không thể làm nhanh được. Bên cạnh đó, phải quan tâm tâm đến chất lượng, giá thành, chi phí vận chuyển. Do vậy, địa phương và đơn vị tư vấn lưu ý khi khảo sát các mỏ cát, nên chọn những mỏ chuẩn, vị trí thuận lợi.

Với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế tại Nghị quyết số 60 và Nghị quyết số 133 của Chính phủ như nâng công suất không quá 50% trong giấy phép khai thác mà không phải thực hiện một số thủ tục cấp phép cho các mỏ cát, sỏi lòng sông đã cấp phép khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhà thầu thi công được khai thác các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ dự án mà không phải thực hiện một số thủ tục cấp phép.

Đây là dự án được đầu tư xây dựng nhằm hình thành trục ngang trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng. Kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam.

Dự án cũng tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.

Trước đó, ngày 25/7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 91 triển khai Nghị quyết số 60/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Theo nghị quyết, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư tổ chức lập thẩm định quyết định phê duyệt dự án thành phần được Thủ tướng phân cấp làm cơ quan chủ quản.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trên và người có thẩm quyền tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư áp dụng hình thức chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, xây lắp liên quan đến các dự án thành phần, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

UBND các tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ, chất lượng, hiệu quả công trình đối với các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước.

Đặc biệt các địa phương phải tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án thành phần được phân cấp, hoàn thành trước ngày 20/1/2023 và thực hiện các công việc tiếp theo, phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi giảm 92% trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi giảm 92% trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.