Cắt băng xuất khẩu lô vải thiều Thanh Hà đi Mỹ, Nhật, Châu Âu, Trung Đông

Vải Việt nAM
16:53 - 29/05/2022
Lễ cắt băng xuất khẩu vải thiều Thanh Hà đi các thii trường diễn ra vào sáng 29/5.
Lễ cắt băng xuất khẩu vải thiều Thanh Hà đi các thii trường diễn ra vào sáng 29/5.
0:00 / 0:00
0:00
Trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến thương mại vải thiều của Hải Dương sáng 29/5, diễn ra lễ cắt băng xuất khẩu lô vải thiều Thanh Hà đi một loạt các thị trường quốc tế khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Trung Đông, Malaysia...

Sáng 29/5, Hội nghị Xúc tiến thương mại vải thiều và sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hải Dương năm 2022 được tổ chức, nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp, thương mại, dịch vụ của tỉnh. Những chính sách ưu đãi của tỉnh nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng được làm rõ trong sự kiện này.

Khai mạc Tuần lễ xúc tiến thương mại, du lịch năm 2022 của tỉnh Hải Dương.
Khai mạc Tuần lễ xúc tiến thương mại, du lịch năm 2022 của tỉnh Hải Dương.

Trong khuôn khổ hội nghị, đáng chú ý có lễ cắt băng xuất khẩu lô vải thiều Thanh Hà xuất khẩu đi một loạt các thị trường quốc tế như Malaysia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Trung Đông... Bên cạnh đó, Tuần lễ xúc tiến thương mại, du lịch Hải Dương cũng được khởi động sáng 29/5. Đây là năm thứ hai Hải Dương tổ chức sự kiện này nhằm quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà.

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng cho biết: “Trong nhiều năm qua, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và du lịch của tỉnh đã phát triển theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm. Cùng với đó là đa dạng về sản phẩm, chủng loại”. Ngoài phát triển những sản phẩm tiêu biểu, có chất lượng tốt, tỉnh Hải Dương cũng luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.

Lễ cắt băng Khai hội và mở vườn vải xuất khẩu năm 2022 của tỉnh Hải Dương sáng 29/5.
Lễ cắt băng Khai hội và mở vườn vải xuất khẩu năm 2022 của tỉnh Hải Dương sáng 29/5.

Năm 2021, Hải Dương đã thành công trong việc tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu của tỉnh. Theo ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, nhờ đó vải thiều Thanh Hà nói riêng và nông sản của tỉnh Hải Dương nói chung đã vượt qua thách thức từ dịch bệnh Covid – 19 để có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu sang các thị trường lớn quốc tế.

Trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các hoạt động xúc tiến gắn với hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, qua đó nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đặc biệt, đối với sản xuất nông nghiệp, ông Thăng nhấn mạnh tỉnh sẽ chú trọng đầu tư xây dựng các thương hiệu nông sản, xây dựng nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ năm 2007, vải thiều Thanh Hà chính thức góp mặt trong danh sách các sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua nhiều hình thức để tiếp cận khách hàng, nhất là việc đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Về phía Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá cao các nỗ lực xúc tiến nông sản của Hải Dương. “Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ tỉnh tích cực quảng bá thương hiệu và thúc đẩy kết nối giao dịch xuất khẩu vải thiều, cũng như các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu khác”.

Đồng thời, Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là tại các thị trường quan trọng như EU, Singapore, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Tại điểm cầu trực tuyến từ phía Australia, đại diện Công ty 4 Way Fresh (nhà nhập khẩu trái cây của Australia) cho biết, vải thiều Hải Dương được nông dân trồng theo quy trình nghiêm ngặt, quả vải được xử lý qua nhiều công đoạn trước khi xuất sang nước này. Với quy trình như vậy, vị đại diện này khẳng định quả vải Hải Dương chắc chắn sẽ đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ tiêu thụ vải thiều và sản phẩm tiêu biểu của tỉnh với các sàn thương mại điện tử; giữa các doanh nghiệp xuất khẩu vải và nông sản Hải Dương.

Lễ ký kết giao thương giữa tỉnh Hải Dương và các đối tác lớn. Ảnh: Quỳnh Nga.

Lễ ký kết giao thương giữa tỉnh Hải Dương và các đối tác lớn. Ảnh: Quỳnh Nga.

Không nên bán thô vải thiều

Nói thêm về việc xúc tiến thương mại quả vải trong nước và xuất khẩu, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết, để vải Hải Dương có chỗ đứng trên kênh bán lẻ hiện đại cần có sự hỗ trợ từ phía địa phương và doanh nghiệp.

Cụ thể, phía địa phương không nên tiêu thụ sản phẩm thô, làm giảm giá trị sản phẩm cũng như giá trị sản phẩm không cao. “Sản phẩm nhạy cảm như vải bán trên kênh hiện đại rất khó. Vì vậy cần có sơ chế, đóng gói để bày bán trên các kệ siêu thị, thu hút khách hàng hơn”, bà Hậu nói thêm.

Bên cạnh đó, bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng cần phải có trung tâm logistics. Phía địa phương nên chú trọng các khâu như bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm theo yêu cầu của bên mua trước khi xuất khẩu. Đặc biệt, cần có sự phối hợp giữa địa phương, doanh nghiệp và hợp tác xã để hỗ trợ người dân đưa hàng lên các trang thương mại điện tử. “Cần có lớp đào tạo cho các hợp tác xã và cá thể để đưa vải bay cao và bay xa hơn”.

Nói rõ hơn về vấn đề này, chia sẻ với Mekong Asean, bà Hậu cho biết, đối với sản phẩm rau quả tươi, trái cây tươi như vải thì luôn có độ khó nhất định. Tuy nhiên, hiện cung và cầu về các sản phẩm trên sàn thương mại điện tử lại rất phát triển. Việc đưa sản phẩm lên sàn mang lại hiệu quả cao cho nhà sản xuất.

Cũng thông qua trang thương mại điện tử, nhà sản xuất có thể tiếp cận thị trường nội địa và quốc tế. Do vậy, theo bà Hậu, các hợp tác xã, nhà sản xuất hộ kinh doanh cần phải đầu tư, tiếp cận các trang thiết bị, đầu tư về kinh doanh của mình.

Ảnh tác giả

“Sản phẩm chế biến ổn định chứ không bấp bênh như bán theo dạng thô, bán cho thương lái, thu tiền nhanh. Thương hiệu cũng có cơ hội phát triển”.

Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, bà Vũ Thị Hậu

Sản phẩm đảm bảo chất lượng thì cũng không sợ không tìm được nguồn ra, kể cả trên thị trường nội địa. Hiện nay, các nhà bán lẻ đang ngày càng yêu cầu cao hơn đối với nhà cung cấp. Theo bà Hậu, nhận thức của người dùng cao hơn cho nên yêu cầu của thị trường cũng sẽ cao hơn. Chính vì vậy, sản phẩm cần được chú trọng về chất lượng cũng như mẫu mã.

Đặc biệt, cần tìm đầu ra theo đường chính ngạch. Việc bán hàng qua thương lái, qua nước láng giềng qua tiểu ngạch dễ khiến giá vải bị ép giá và khi bị tắc biên thì rủi ro sẽ cao.

Tại Hải Dương, hiện có hơn 8.900 ha vải thiều. Trong đó huyện Thanh Hà có 3.273 ha, Chí Linh có 3.434 ha, còn lại ở các địa phương khác. Tổng sản lượng vải toàn tỉnh năm 2022 dự kiến đạt trên 60.000 tấn, tăng 5.000 tấn so năm 2021.

Hiện nay, đợt vải sớm bắt đầu thu hoạch từ ngày 15/5, thu hoạch rộ từ ngày 25/5- 5/6, với sản lượng ước trên 35.000 tấn. Còn đợt vải thiều chính vụ dự kiến thu hoạch từ 10/6, thu hoạch rộ từ 15 - 25/6, với sản lượng ước trên 25.000 tấn. Năm 2022, Hải Dương tiếp tục duy trì 41 vùng vải tiêu chuẩn VietGAP với diện tích là 500 ha và 11 vùng sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 110 ha.

Đọc tiếp