Trụ sở của Meta Platforms tại Mountain View, California, Mỹ. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, đây là một trong những đợt sa thải lớn nhất trong năm 2022, đồng thời cũng là lần đầu tiên trong lịch sử của Meta. Bất chấp quy mô của đợt sa thải này, Meta không phải bên duy nhất khi các công ty khác bao gồm Twitter, Microsoft và Snap đều đã buộc sa thải nhân viên để tối ưu hóa chi phí.
Việc này xảy ra do cũng giống như các công ty trong cùng ngành, Meta đã tích cực tuyển dụng thêm nhân lực trong suốt thời kỳ đại dịch để đáp ứng nhu cầu sử dụng mạng xã hội tăng cao của những người sử dụng đang mắc kẹt trong nhà do các lệnh hạn chế đi lại.
Tuy nhiên, tới năm 2022 này, hoạt động kinh doanh của tập đoàn đã gặp nhiều khó khăn do các nhà quảng cáo và người tiêu dùng giảm chi tiêu khi đối mặt với chi phí tăng cao và lãi suất tăng nhanh. Đã từng chạm mốc công ty có vốn hóa 1.000 tỷ USD, giá trị của Meta sụt giảm hơn 70% chỉ trong năm 2022 và hiện chỉ còn 256 tỷ USD.
Trong bài phát biểu của mình trước quyết định sa thải nhân viên kỷ lục, Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg cho biết doanh thu của Meta Platforms thấp hơn nhiều so với dự kiến của ông do nhiều lý do. Một số lý do quan trọng dẫn tới tình trạng hiện tại chính là thương mại trực tuyến quay trở lại ngưỡng trước đại dịch, kinh tế vĩ mô suy thoái, cạnh tranh gia tăng và quảng cáo suy yếu.
Do đó, ông tuyên bố sai lầm nằm ở bản thân mình và ông sẽ chịu trách nhiệm về điều đó. Ngoài ra, ông cũng cho biết sẽ tổ chức một buổi họp khác với nhân viên vào ngày 11/11 và sẽ trả lời các câu hỏi trực tiếp.
Là một phần của gói thôi việc, Meta sẽ trả 16 tuần lương cơ bản và 2 tuần bổ sung cho mỗi năm làm việc cũng như tất cả thời gian nghỉ việc được trả lương còn lại của nhân viên.
Các nhân viên bị ảnh hưởng cũng sẽ nhận được số cổ phiếu đã được ấn định vào ngày 15/11 và bảo hiểm chăm sóc sức khỏe trong 6 tháng. Công ty không tiết lộ khoản phí chính xác cho việc sa thải nhưng cho biết con số này đã được xem xét trong triển vọng chi phí năm 2022 được công bố trước đó là từ 85 tỷ USD đến 87 tỷ USD.
Ngoài việc sa thải hàng loạt sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực trên toàn tập đoàn, Meta cũng đồng thời sẽ giảm diện tích văn phòng, giảm chi tiêu tùy ý và kéo dài thời gian đóng băng tuyển dụng vào quý đầu tiên năm 2023 nhằm kiểm soát chi phí. Doanh nghiệp này đã lỗ 9,44 tỷ USD trong 3 quý đầu năm nay với mức lỗ dự kiến sẽ tăng đáng kể vào năm 2023.
Meta là tập đoàn công nghệ hoạt động yếu kém nhất trong năm 2022 so với các tập đoàn công nghệ lớn khác. Ảnh: Reuters |
Theo nhận định của nhà phân tích Sophie Lund-Yates của Hargreaves Lansdown, thị trường đang thở phào nhẹ nhõm khi ban quản lý của Meta hoặc cụ thể là ông Zuckerberg đang chú ý đến một số lời khuyên trong việc cắt giảm chi phí do hóa đơn chi tiêu ngày càng tăng. Theo các dự đoán hiện tại, công ty ước tính chi phí cho năm 2023 là 94 tỷ USD đến 100 tỷ USD so với con số cũ là 96 tỷ USD đến 101 tỷ USD.
Ngay sau động thái này, cổ phiếu của Meta đã tăng 4% do thái độ hoan nghênh sự thận trọng của các nhà đầu tư sau hàng loạt các cam kết chưa được thực hiện và không có cơ sở vào metaverse của CEO Mark Zuckerberg – các cam kết đắt đỏ sẽ tốn một thập kỷ để sinh lời.
Việc chi tiêu mạnh tay của Meta đã khiến Phố Wall và nhiều cổ đông tức giận và đặt ra câu hỏi Meta liệu có thể đổ tiền vào dự án metaverse trong bao lâu nữa khi mà nền kinh tế đang ngày một yếu kém do suy thoái.
Ông Paul McCarthy tại Kisco Capital - công ty từng sở hữu cổ phiếu Meta – nhận định năm tới sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với Meta. Trong khi đó, lãi suất tăng và môi trường vĩ mô u ám có thể tiếp tục đè nặng lên thị trường quảng cáo, từ đó trực tiếp ảnh hưởng tới doanh thu của công ty.