Châu Á - Thái Bình Dương được dự báo là thị trường ván ép lớn nhất thế giới

Gỗ THẾ GIỚI
09:02 - 27/03/2023
Thị trường ván ép tăng trung bình 6,3%/năm. Ảnh minh họa.
Thị trường ván ép tăng trung bình 6,3%/năm. Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Future Market Insights, thị trường ván ép toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng bình quân là 6,3% trong giai đoạn 2023 - 2033 và đến năm 2033 dự kiến sẽ đạt 156,9 tỷ USD.

Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam dẫn báo cáo của Future Market Insights (một đơn vị dự báo thị trường có đăng ký tại Hoa Kỳ) vừa cho biết, thị trường ván ép toàn cầu sẽ đạt 85,5 tỷ USD vào năm 2023. Thị trường dự kiến sẽ tăng trưởng bình quân là 6,3% trong giai đoạn 2023 - 2033 và đến năm 2033, thị trường dự kiến sẽ đạt 156,9 tỷ USD.

Châu Á - Thái Bình Dương dự báo sẽ là thị trường ván ép lớn nhất trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Trong đó, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng bình quân là 6,7% và Ấn Độ với tăng trưởng bình quân là 6,4%.

Theo Future Market Insights, yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường ván ép là quá trình đô thị hóa nhanh. Điều này đã dẫn đến sự tăng trưởng của ngành xây dựng vì sự gia tăng các hoạt động cơ sở hạ tầng.

Các công ty tham gia vào các hoạt động cơ sở hạ tầng đang sử dụng ván ép vì tính chất vật lý bền vững và khả năng hấp thụ độ ẩm tốt. Ngoài ra, ván ép còn có khả năng cung cấp hoạt động liền mạch ở những khu vực dễ xảy ra hoạt động địa chấn và gió lốc.

Lĩnh vực hàng hải cũng đang tăng sử dụng ván ép. Khả năng kiểm soát sự phát triển của nấm, cùng với khả năng chịu được tác động của nước sẽ thúc đẩy việc áp dụng trong ngành hàng hải.

Thu nhập khả dụng tăng cũng khuyến khích người tiêu dùng đầu tư vào nhà mới, do đó tác động đến nhu cầu về ván ép, vì các nhà đầu tư muốn sử dụng sản phẩm có sự ổn định. Bên cạnh đó, khả năng kháng hóa chất giúp ván ép có độ bền cao.

Quan trọng nhất, ngành công nghiệp thiết kế nội thất và đồ nội thất đang phát triển đại diện phân khúc có phạm vi rộng cho thị trường. Cả hai lĩnh vực này đang dần thay thế các loại gỗ thông thường bằng ván ép nhờ tính linh hoạt và ít tạo ra chất thải.

Lĩnh vực nội thất cũng sử dụng ván ép để đáp ứng tình trạng quá tải ngắn hạn. Lĩnh vực thiết kế nội thất dựa vào khả năng cắt của ván ép, gần gấp đôi so với gỗ thông thường.

Trong bối cảnh thị trường quốc tế như trên, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2022 đã mang về 15,8 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2021. Tính riêng 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ (HS 94) chiếm 62,8% (giảm 6% so với cùng kỳ 2021), kim ngạch xuất khẩu gỗ nguyên liệu (HS 44) chiếm 31,1% (tăng 5,91%); còn lại là các sản phẩm khác (6,2%). Xuất khẩu ván bóc giảm 47,9%; ván dăm tăng 50,9% và gỗ dán/gỗ ghép giảm 2.8%.

Để chủ động đón cơ hội, ngành gỗ sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bằng việc áp dụng đồng các giải pháp như: Đẩy mạnh sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, giảm sử dụng gỗ nhập khẩu; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí sản xuất; đẩy mạnh sản xuất phát thải thấp.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết sẽ tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức phát triển ngành lâm nghiệp cân đối, phát triển trồng rừng gắn với chế biến, tăng cường kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài vào trồng rừng tạo tiềm lực thuận lợi hình thành các chuỗi liên kết sản xuất.

Tin liên quan

Đọc tiếp