Chia sẻ thông tin là yếu tố quan trọng nhất trong hợp tác nông nghiệp tiểu vùng Mekong

Mekong NÔNG NGHIỆP
13:57 - 25/09/2022
Tiểu vùng sông Mekong là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả thế giới.
Tiểu vùng sông Mekong là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia tư vấn chính sách nông nghiệp cho rằng, các nước tiểu vùng sông Mekong có thể xây dựng cơ sở dữ liệu chia sẻ về kế hoạch mùa vụ, sử dụng nguồn nước, các quy chuẩn… để tạo thành cộng đồng gắn kết.

Việt Nam đang tham gia tích cực vào các dự án hợp tác phát triển kinh tế của các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) và ngày càng có vị trí nổi bật trong kết nối với các quốc gia GMS, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.

Trao đổi với Mekong ASEAN về tiềm năng nông nghiệp nói chung của khu vực GMS, TS. Trương Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, nhắc đến nông nghiệp tiểu vùng này từ trước đến nay thường chỉ nói về kinh tế, nhưng cũng cần phải quan tâm cả về vai trò xã hội và môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp tại đây.

Theo bà Trang, về mặt kinh tế, giai đoạn hậu Covid-19 các nước trên thế giới đều đang đối mặt lạm phát và đe dọa an ninh lương thực. Nhưng đây lại chính là tiềm năng thế mạnh của các nước GMS vì tạo ra nhiều cơ hội xuất khẩu gạo và nông sản hơn.

Về mặt xã hội, ngành nông nghiệp đang tạo ra việc làm cho nhiều hộ nông dân. Do đó nếu đẩy thu nhập nông nghiệp lên thì sẽ cải thiện được tỷ lệ nghèo, đảm bảo đời sống an sinh xã hội và dinh dưỡng.

Tại Diễn đàn Mekong do Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN (VASEAN) tổ chức ngày 23/9 vừa qua, TS. Trương Thị Thu Trang cũng nhấn mạnh việc bên cạnh những cơ hội lớn, thì ngành nông nghiệp của tiểu vùng sông Mekong cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh mới.

Nổi bật hơn cả có thể kể đến thách thức từ biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan. Đô thị hóa cũng là một thách thức khác đang hiện diện trong khu vực, khi việc tập trung dân và tái thiết cơ sở hạ tầng đang góp phần gây mất đất nông nghiệp, đe dọa môi trường.

Gợi ý về các biện pháp hợp tác trong nông nghiệp ở các nước khu vực GMS để cùng đối phó với các thách thức trên, TS. Trương Thị Thu Trang cho rằng, việc chia sẻ thông tin tiến tới hình thành một cộng đồng gắn kết ở GMS là điều kiện quan trọng nhất.

“Từ việc chia sẻ thông tin đó sẽ làm được những việc to lớn hơn. Các nước GMS có thể tính đến xây dựng một đầu mối thông tin về sử dụng nguồn nước, mùa vụ, mã số vùng trồng, tiêu chuẩn, quy chuẩn… để thông báo kịp thời đến nhau khi cần thiết”, bà Trang gợi mở.

TS. Trương Thị Thu Trang, Bộ NN&PTNT

“Ứng dụng khoa học công nghệ để tận dụng những thông tin được chia sẻ xây dựng cơ sở dữ liệu, qua đó hình thành những phân tích và dự báo, đẩy mạnh hợp tác giữa các nước, giữa các doanh nghiệp và giữa nông dân trong Tiểu vùng sông Mekong. Việc hợp tác chặt chẽ trong chia sẻ thông tin và điều phối sử dụng nước sông Mekong sẽ hỗ trợ hợp tác trong toàn lưu vực vực”.

Ngoài ra, bà Trang cho rằng, cần phải thay đổi tập quán sản xuất, thay đổi giống, lịch canh tác trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sinh kế để thích ứng biến đổi khí hậu và tận dụng lợi thế khác biệt mùa vụ.

Cùng với đó là xây dựng các biện pháp khuyến khích để giảm tình trạng sử dụng tài nguyên thiên nhiên không bền vững, đặc biệt là ngăn chặn việc khai thác quá mức cát sông, động, thực vật thủy sinh, cấm các biện pháp khai thác tận diệt.

Đề xuất 2 mô hình kinh tế tuần hoàn nông nghiệp cho GMS

Cũng tại Diễn đàn Mekong vừa qua, TS. Mai Huy Tân, Viện trưởng, Viện kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững Mekong (Mekong Cesdi) đã đưa ra các gợi ý để gia tăng thu nhập nông nghiệp cho khu vực GMS.

Theo TS. Tân, nông nghiệp, lâm nghiệp đang là ngành kinh tế rất quan trọng của Việt Nam, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về nông nghiệp. Ông đã đưa ra 2 mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp gắn với năng lượng xanh để phát huy tiềm năng nông nghiệp khu vực này.

Hai đề xuất gồm Tổ hợp kinh tế tuần hoàn AGINE trong ngành trồng trọt, chế biến lúa gạo, kết hợp chăn nuôi với năng lượng xanh và Tổ hợp kinh tế tuần hoàn GREENDEVI trong ngành chăn nuôi, thủy sản, gắn với năng lượng xanh.

Phân tích cụ thể về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của 2 tổ hợp này, ông Tân nhận định tổng số công ăn việc làm mới được tạo ra là khoảng 3.000 lao động/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp hữu cơ có khả năng tăng từ 330 triệu đồng/ha/năm đến 400 triệu đ/ha/năm. Thu nhập bình quân của nông dân trên mỗi ha canh tác nông nghiệp hữu cơ từ việc cung cấp nông sản hữu cơ (đã trừ chi phí sản xuất) đạt khoảng 200 triệu VNĐ/ha/năm.

Diễn đàn Mekong do Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam – ASEAN (VASEAN) tổ chức ngày 23/9 vừa qua, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đối thoại về chính sách, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội tham gia vào các dự án hợp tác phát triển kinh tế của các nước Tiểu vùng sông Mekong (GMS).

Tin liên quan

Đọc tiếp