Chính thức thông xe 2 tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây

CAO TỐC Việt nAM
12:05 - 29/04/2023
Tuyến Mai Sơn - QL45 các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu Dự án đến nút giao Đông Xuân (Km327+100) nối QL45 và QL47. Nguồn: VGP.
Tuyến Mai Sơn - QL45 các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu Dự án đến nút giao Đông Xuân (Km327+100) nối QL45 và QL47. Nguồn: VGP.
0:00 / 0:00
0:00
Sáng nay 29/4, hai dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020 là Mai Sơn – QL45 và Phan Thiết – Dầu Giây chính thức được thông xe.

Ngày 29/4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ khánh thành và thông xe 2 dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Lễ khánh thành diễn ra tại 2 điểm cầu, trong đó điểm cầu chính tại nút giao Phan Thiết, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (thuộc đoạn Phan Thiết - Dầu Giây) và một điểm cầu tại phía Nam hầm Thung Thi, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (thuộc đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45).

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, sự kiện khánh thành hai tuyến cao tốc rất ý nghĩa khi diễn ra đúng dịp kỷ niệm 48 năm ngày đất nước thống nhất.

Thủ tướng nhìn nhận, những năm qua Đảng, Nhà nước chú trọng phát triển hạ tầng giao thông cho mục tiêu phát triển đất nước. Cao tốc, cảng biển, sân bay... được mở rộng, nâng cấp, xây mới. Chính phủ dành nguồn lực lớn cho lĩnh vực này để tăng cường thông thương, tạo không gian phát triển mới, giúp hạ giá thành hàng hoá, gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, hành lang vận tải Bắc - Nam rất quan trọng, là xương sống của đất nước. Đến nay, đã hoàn thành và đưa vào khai thác 800km/2.063km, tương đương trên 40%.

Thủ tướng kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành cao tốc dọc cả nước, nối từ Lạng Sơn, Cao Bằng đến đất mũi Cà Mau. Đồng thời, cũng xây dựng và hoàn thành các tuyến trục ngang, dọc ở các địa phương như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Nói về 2 đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây, Thủ tướng khẳng định, đây là thành tích bởi khi thi công trong giai đoạn cực kỳ khó khăn như dịch bệnh Covid-19, giá cả biến động.

"Nỗ lực của các cấp các ngành và sự chia sẻ, đồng lòng của nhân dân là rất lớn. Đó là bài học cho chúng ta vượt qua khó khăn trong những dự án, công trình sắp tới", Thủ tướng chia sẻ.

Về phía chủ đầu tư dự án, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết giai đoạn 2021-2025, đầu tư hạ tầng giao thông được xác định là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Ngành giao thông được Quốc hội, Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, trong đó ưu tiên tập trung nguồn lực lớn để đầu tư xây dựng các dự án đường bộ cao tốc, với mục tiêu đến năm 2025 cả nước ta sẽ có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc.

Bộ đang mạnh mẽ đổi mới về tư duy và cách làm, điều hành với mục tiêu hoàn thành các công trình bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật.

Đến nay, nhiều dự án trọng điểm của ngành đã hoàn thành đưa vào khai thác. Trong đó, đường bộ cao tốc đã hoàn thành 1.580km. Riêng giai đoạn trước năm 2020 đưa vào khai thác 1163 km, trong 3 năm gần đây đã đưa vào khai thác 416 km.

"Hôm nay, bộ tiếp tục khai thác thêm 2 dự án, nâng lên 784km. Thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Thanh Hóa, từ TP HCM đến Bình Thuận đã rút ngắn đáng kể. Bộ đang chỉ đạo dự kiến khánh thành thêm hai đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Cam Lâm - Nha Trang và đến năm 2025 sẽ thông toàn tuyến từ Lạng Sơn đến Cà Mau", Thứ trưởng Lê Đình Thọ thông tin.

Đại diện cho đơn vị thi công, ông Đào Ngọc Thành - chủ tịch HĐQT Tổng công ty Vinaconex cho biết, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của tất cả đơn vị, nhà thầu đã hoàn thành nhiệm vụ.

Quá trình thi công dự án khiến các nhà thầu gặp vô vàn khó khăn, có thời điểm dừng thi công nhiều tháng liền. Các nhà thầu đã tận dụng thời gian, áp dụng nhiều giải pháp để bù đắp lại tiến độ, đảm bảo chất lượng thi công.

"Dự án là danh dự, là uy tín của doanh nghiệp nên nhà thầu đã vượt qua khó khăn, huy động mọi nguồn lực và rút ra nhiều bài học quý giá. Qua đây cũng kiến nghị các cơ quan trung ương sớm tháo gỡ nhiều khó khăn trong giai đoạn qua để giai đoạn tiếp theo không mắc phải", ông Thành nhấn mạnh.

Vào lúc 10h25 tại đầu cầu Bình Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo bộ ngành, trung ương và địa phương thực hiện nghi thức khánh thành dự án cao tốc Mai Sơn - QL 45 và Phan Thiết - Dầu Giây. ​

Thủ tướng cắt băng khánh thành tại đầu cầu Bình Thuận. Nguồn: VGP.
Thủ tướng cắt băng khánh thành tại đầu cầu Bình Thuận. Nguồn: VGP.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu cắt băng khánh thành dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45 tại điểm cầu Thanh Hoá. Nguồn: VGP.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng các đại biểu cắt băng khánh thành dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45 tại điểm cầu Thanh Hoá. Nguồn: VGP.

Dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng mức đầu tư khoảng 12.111 tỷ đồng do Bộ Giao thông Vận tải là chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án Thăng Long là đại diện chủ đầu tư khởi công xây dựng từ tháng 9/2020.

Cao tốc có chiều dài 63,37km đi qua các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Điểm đầu tại nút giao Mai Sơn kết nối với Đường tỉnh 477 thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Điểm cuối thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

Tốc độ tối đa là 80 km/h. Bộ Giao thông Vận tải đang giao chủ đầu tư nghiên cứu nâng tốc độ khai thác lên 90 km/h và sẽ điều chỉnh tốc độ khai thác khi đủ điều kiện cho phép.

Đối với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tốc độ lưu hành tối đa là 120 km/h và tốc độ tối thiểu 60 km/h.

Dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài tuyến khoảng 99km với tổng mức đầu tư khoảng gần 12.600 tỷ đồng, do Bộ GTVT là chủ đầu tư. Ban Quản lý dự án Thăng Long là đại diện chủ đầu tư.

Điểm đầu nằm trên tuyến đường từ Quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh, tỉnh Bình Thuận. Điểm cuối kết nối với tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây tại khoảng Km43+125 thuộc xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai).

Một số hình ảnh hai tuyến cao tốc vừa được thông xe:

Dự án Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài tuyến khoảng 99 km đi qua các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, kết nối với tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Nguồn: VGP.

Dự án Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài tuyến khoảng 99 km đi qua các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, kết nối với tuyến đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Nguồn: VGP.

Nguồn: VGP.

Nguồn: VGP.

Tin liên quan

Đọc tiếp