Chứng khoán châu Á chao đảo sau báo cáo lạm phát của Mỹ

CHỨNG KHOÁN THẾ GIỚI
18:17 - 11/11/2021
Bảng điện tử hiển thị chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tại một công ty chứng khoán vào thứ Năm, ngày 11 tháng 11 năm 2021, ở Tokyo. Ảnh AP
Bảng điện tử hiển thị chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tại một công ty chứng khoán vào thứ Năm, ngày 11 tháng 11 năm 2021, ở Tokyo. Ảnh AP
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán châu Á ngày 11/11 rung chuyển sau khi một báo cáo về tình trạng lạm phát đáng lo ngại của Mỹ khiến thị trường trái phiếu và chứng khoán ở Phố Wall giảm điểm.

Lạm phát tại Mỹ trong giai đoạn gần đây đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trên quy mô toàn cầu. Trên thị trường tiêu dùng, giá thịt bò, giá điện và các mặt hàng khác mà người dân tại quốc gia này trả vào tháng 10 đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái, và đạt tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 1990.

Bối cảnh này làm dấy lên kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ sớm phải đưa ra các biện pháp tăng lãi suất ngắn hạn để làm giảm tác động từ giá cả thị trường.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm có xu hướng thay đổi theo kỳ vọng về hành động của FED, và đã nhảy vọt từ 0,41% lên 0,51% vào cuối ngày 9/11. Lợi suất trái phiếu kho bạc dài hạn cũng tăng với lợi suất 10 năm lên 1,55% vào đầu ngày 11/11, từ mức 1,43% vào cuối ngày 10/11.

Chỉ số S&P 500 mất 0,8% xuống 4.646 trong lần giảm thứ hai liên tiếp. Trước đó, chỉ số này đang lập kỷ lục với một chuỗi tăng mạnh nhất. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,7% xuống 36.079. Chỉ số tổng hợp Nasdaq cũng giảm 1,7% xuống 15.662.

Trước sự thất thường của thị trường Phố Wall, chứng khoán khu vực châu Á cũng ghi nhận những tác động tiêu cực. Tại Nhật Bản, nơi các nhà đầu tư đang chờ đợi một gói kích thích kinh tế từ Thủ tướng mới đắc cử Fumio Kishida, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 0,5% lên 29.255. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 0,6% xuống còn 7.381. Trong khi đó KOSPI của Hàn Quốc giảm 0,4% xuống còn 2.917.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,5% lên 25.116 trong khi Shanghai Composite tăng 1,0% lên 3.527.

Với Trung Quốc, chính quyền quốc gia này đã ban hành các quy định siết chặt về vấn đề công nghệ khiến thị trường này trở lên ảm đạm. Tuy nhiên, một số cổ phiếu Trung Quốc cũng đang ghi nhận sự phục hồi khi các nhà đầu tư quyết định rằng việc bán phá giá có thể đã quá mức.

Ông Yeap Jun Rong, nhà chiến lược thị trường tại IG ở Singapore, cho biết: “Tâm lý của các nhà đầu tư đang bị giới hạn bởi những con số tiêu cực tại Phố Wall. Với những người tham gia thị trường chứng khoán, họ sẽ không còn mạo hiểm hành động mà chờ đợi sự ổn định trong chính sách tiền tệ".

Các ngân hàng trung ương khác tại châu Á hầu hết đã hạ mức lãi suất ở mức thấp, mặc dù một số ngân hàng bao gồm New Zealand và Indonesia đã hành động để thắt chặt chính sách.

Trong giai đoạn này, thị trường chứng khoán thế giới đang chứng kiến quy luật kỳ lạ. Những cổ phiếu có vẻ ngoài rẻ (hoặc rẻ hơn so với các cổ phiếu trong ngành) lại thường có lợi suất cao hơn.

Bình luận về hiện tượng này, ông Tom Martin, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao của Globalt Investments cho biết: “Đó là cuộc chiến giữa tăng trưởng và giá trị. Do vậy, sẽ không ai thực sự chiếm được ưu thế tuyệt đối trong thị trường chứng khoán trong thời gian tới".

Đọc tiếp