Chuỗi cung ứng dệt may, da giày gặp nhiều gián đoạn trước Chỉ thị 16

logistics Việt nAM
22:32 - 06/10/2021
Ngành dệt may đứng trước nhiều khó khăn trong dịch COVID-19. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Ngành dệt may đứng trước nhiều khó khăn trong dịch COVID-19. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
Chỉ thị 16 của Chính phủ đã khiến 80% các nhà máy sản xuất dệt may, da giày tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… phải ngừng sản xuất.

Việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía nam đã khiến cho các khu công nghiệp phía Nam phải ngừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”.

Tại các địa phương miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày chỉ hoạt động với công suất 50%-70 %, do giãn cách xã hội và thiếu lao động. Khoảng 40% doanh nghiệp có đủ điều kiện và dám thực hiện điều kiện 3 tại chỗ.

Đối với các doanh nghiệp còn hoạt động, trong bối cảnh như vậy đã buộc phải giảm sản lượng do phải giảm số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, đồng thời phát sinh nhiều chi phí do đứt gãy chuỗi cung nguyên phụ liệu, chi phí phòng chống COVID-19 (xét nghiệm, tiêm chủng, lo ăn, ở 3 tại chỗ cho người lao động). Nhiều lao động bỏ về quê tránh lây lan dịch bệnh và khó khăn trong việc đi lại, di chuyển giữa các địa phương do phong tỏa, giãn cách xã hội.

Cùng với đó, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao (gấp 5-10 lần) xảy ra từ năm 2020 chưa trở về bình thường cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Trong năm 2020, ảnh hưởng dịch COVID-19, sức mua giảm, các đối tác nước ngoài yêu cầu giảm giá 20%-30%. Nhiều doanh nghiệp muốn duy trì công ăn việc làm cho người lao động nên vẫn tổ chức sản xuất, vẫn chấp nhận đơn hàng với giá thấp, thậm chí đơn hàng nhận được đến cuối năm 2020.

Bước sang đầu năm 2021, ngành may mặc đã hồi phục, sức mua toàn cầu tăng, đơn hàng nhiều với giá tốt hơn nhưng doanh nghiệp đã phải chịu áp lực lớn, đó là giá cũ đã ký - giá thấp cho năm 2021.

Hiệp hội Dệt may nhận định, ba tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian "cực kỳ khó khăn" đối với ngành dệt may. Ngành này sẽ phải đối diện với nguy cơ cao nhất là việc đứt gãy chuỗi cung ứng do đối tác chuyển đơn hàng đi nơi khác và nguy cơ thiếu lao động do người lao động đang có xu hướng về quê tránh dịch, không dễ quay trở lại ngay.

Phục hồi sản xuất trở lại sau dịch COVID-19 thế nào luôn là nỗi lo lắng của các doanh nghiệp, đặc biệt với khối dệt may, da giày có hàng trăm nghìn lao động. Duy trì đơn hàng đã khó, nay để có đủ nguồn lao động cho sản xuất cũng là vấn đề nan giải. Nhiều doanh nghiệp ngành này phản ánh, ngoài việc đẩy nhanh tiêm vaccine cho người lao động, cần có giải pháp giúp họ chủ động quản lý, phòng dịch cho người lao động để đảm bảo chung sống an toàn với dịch và không bị đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực cũng như sản xuất.

Theo kiến nghị của 14 Hiệp hội ngành hàng thấy rõ: Đề nghị thống nhất quản lý trên toàn quốc về quy định giãn cách, giao thông, nhân sự chống dịch, xét nghiệm, tự chủ về mô hình và phương thức sản xuất trong tình trạng phòng chống dịch, chấp nhận một phần mềm quản lý khai báo, chấp nhận chứng từ, giấy tờ điện tử, scan… Đề nghị quản lý người nhiễm bệnh theo điểm chính xác, không quá rộng; đồng thời kiến nghị hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế phí và hỗ trợ các trạm y tế tại khu công nghiệp.../.

Tin liên quan

Đọc tiếp