Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Cần tầm nhìn dài hạn và hành động cụ thể

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
22:23 - 17/11/2021
Mục tiêu xa hơn trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp là xây dựng một hệ sinh thái
Mục tiêu xa hơn trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp là xây dựng một hệ sinh thái
0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu xa hơn trong chuyển đổi số ngành nông nghiệp là hướng tới xây dựng một hệ sinh thái có sự liên kết chặt chẽ, minh bạch gắn với thương mại điện tử.

Giám đốc khối tư vấn chiến lược và đổi mới sáng tạo của tập đoàn FPT Lê Vũ Minh cho rằng những thách thức ngành nông nghiệp sẽ phải đối mặt trong tương lai chính là áp lực để hôm nay Việt Nam phải đẩy nhanh chuyển đổi số để sớm hình thành được một hệ sinh thái nông nghiệp toàn diện.

Phát biểu tại hội thảo “Chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” chiều 17/11, ông Minh nói: "Yêu cầu chuyển đổi số đối với ngành nông nghiệp của Việt Nam ngày càng trở nên cấp thiết hơn khi chúng ta đang đứng trước rất nhiều thách thức của thời đại".

Mặc dù Việt Nam có sản lượng và diện tích đất đai sử dụng cho nông nghiệp lớn nhưng năng suất các sản phẩm nông nghiệp lại không cao. Việt Nam đứng thứ tư thế giới về các sản phẩm lúa gạo nhưng năng suất canh tác trên một hecta của Việt Nam chỉ đứng thứ 15 thế giới.

"Điều này cho thấy hiệu suất của việc trồng trọt, canh tác vẫn hạn chế, còn nhiều khoảng trống để cải thiện. Một trong những hướng đi mà chúng tôi nghĩ tới, chính là áp dụng chuyển đổi số và công nghệ để gia tăng năng suất cũng như tăng giá trị nông sản", ông Minh nhận định.

Những thách thức trong tương lai của ngành nông nghiệp

Thứ nhất, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Đã có hơn 45.000ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng xâm nhập mặn trong vụ mùa 2020 - 2021. Ông Minh đưa ra con số: Ước tính tổng thiệt hại từ thiên tai cho ngành nông nghiệp Việt Nam ở mức 1,6 tỷ USD trong năm 2020.

Thứ hai, xu hướng chuyển dịch lao động. Xu hướng thay đổi về ngành nghề kinh tế - xã hội cho thấy sự chuyển dịch các khu vực lao động. Sự cạnh tranh từ khối ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là lao động trình độ cao sẽ dẫn đến sự thâm hụt về nguồn lao động cho nông nghiệp. Vì vậy, việc thay đổi và thích ứng với sự dịch chuyển đó là một vấn đề quan trọng đặt ra cho ngành nông nghiệp.

Thứ ba, nông nghiệp Việt Nam vốn mang nặng tính thủ công và có sự phát triển chậm hơn so với các ngành nghề khác trong xã hội. Xuất phát từ truyền thống canh tác và sự phụ thuộc nhiều vào sức con người. Điều đó rất khó tạo được lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam nếu chúng ta muốn bước ra thị trường toàn cầu.

Ảnh tác giả

Đứng trước những thách thức này, chuyển đổi số với những xu hướng mới là một “cánh cửa” gợi mở cho việc nâng cao giá trị nông sản Việt Nam. Chúng ta cần có tầm nhìn dài hạn trong chuyển đổi số nông nghiệp. Tuy nhiên, bước đi cần từ những hành động cụ thể và thiết thực

Ông Lê Vũ Minh, Giám đốc khối tư vấn chiến lược và đổi mới sáng tạo của FPT

Hành động của hôm nay: Cần xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

Việt Nam cần có cái nhìn xa hơn và học từ những bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới về việc áp dụng những công nghệ mới trong canh tác và các sản phẩm nông nghiệp. Có thể kể đến việc ứng dụng những công nghệ máy bay không người lái, điện toán đám mây, robot… giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và giảm số lượng nhân lực.

Một ví dụ điển hình về ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp những năm gần đây là "truy xuất nguồn gốc sản phẩm". Chỉ với một mã nhỏ gắn trên sản phẩm nhưng đã tạo ra được những thay đổi đáng kể trong nhận thức của cả người sản xuất và người tiêu dùng về yêu cầu phải nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cũng như yêu cầu về minh bạch thông tin sản phẩm. Điều đó không chỉ mang lại niềm tin cho người tiêu dùng mà còn mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân, củng cố niềm tin cho họ trên hành trình tiếp tục chuyển đổi số nông nghiệp.

Đại diện của FPT cũng chỉ ra rằng, việc thu thập, sử dụng, phân tích những dữ liệu có được nhằm chuẩn hóa tất cả quy trình nuôi trồng sẽ là một công cụ hỗ trợ đắc lực cho người nông dân trong quá trình canh tác nông nghiệp. Mặc dù vậy, trong thời gian gần đây, việc thu thập dữ liệu còn nhiều hạn chế cùng với sự phân mảnh dữ liệu gây khó khăn cho những bài toán lớn hơn của toàn ngành.

Quan điểm đạt được sự thống nhất cao tại hội thảo lần này là Việt Nam cần xác định những hành động cụ thể ngay từ hôm nay nếu muốn đạt được những thành tựu và mục tiêu xa hơn nữa trong tương lai đối với ngành nông nghiệp. Đó là cần đặt mục tiêu, bước đi và lộ trình cụ thể để xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp toàn diện. Trong đó, chủ thể là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp và những người nông dân trực tiếp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp.

Những chủ thể sẽ được liên kết với các bên liên quan như logistics, nguồn giống, chế phẩm phục vụ nông nghiệp… để được nguồn thông tin rõ ràng, nhanh chóng và minh bạch, từ đó nhanh chóng tiếp cận và áp dụng trực tiếp cho các quá trình sản xuất.

"Một yêu cầu cũng rất quan trọng là làm thế nào để người nông dân có thể tiếp cận được thị trường một cách tốt hơn? Chúng ta luôn muốn rằng các sản phẩm phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhưng làm thế nào để những thông tin của thị trường có thể truyền đến tay người nông dân trực tiếp tạo ra sản phẩm? Nếu không có sự hình thành một hệ sinh thái liên kết chặt chẽ với nhiều bên chia sẻ thông tin thì sẽ rất khó để đưa ra được một câu trả lời hoàn chỉnh".

Ông Lê Vũ Minh, Giám đốc khối tư vấn chiến lược và đổi mới sáng tạo của FPT

Để làm được điều này cần có sự tham gia của nhiều bên, trong đó Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ giữ vai trò kiến tạo, đưa ra các quy định và chính sách hỗ trợ, đảm bảo kinh tế và xã hội cho toàn bộ hệ sinh thái ngành nông nghiệp. Các doanh nghiệp nông nghiệp, hộ nông dân đứng ở vị trí chủ thể và họ sẽ cần rất nhiều yếu tố hỗ trợ như tài chính, công nghệ, logistics…

Đồng tình với các diễn giả, Thứ trưởng Bộ NN PTNT Phùng Đức Tiến nhận định việc xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp là rất quan trọng.

Thứ trưởng Bộ NN PTNT Phùng Đức Tiến: Cần xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

Thứ trưởng Bộ NN PTNT Phùng Đức Tiến: Cần xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững

“Chúng ta đã xây dựng được một hệ sinh thái với 78 liên minh hợp tác xã, gần 18.000 hợp tác xã, 19.600 trang trại, 13.511 doanh nghiệp và hơn 14 triệu hộ nông dân. Tuy nhiên, những thông tin về vật tư đầu vào và tất cả khía cạnh đảm bảo minh bạch, rõ ràng gắn với thương mại điện tử đúng là bài toán mà chúng ta cần tập trung giải quyết”, ông Phùng Đức Tiến nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp