Thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số ngành nông nghiệp

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
21:35 - 17/11/2021
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo
0:00 / 0:00
0:00
Chiều 17/11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với các bộ, ngành tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đây là một trong chuỗi 10 hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên và Triển lãm quốc tế lần thứ 3 về công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 Summit 2021 với sự tham gia của nhiều diễn giả từ các cơ quan Chính phủ, đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Ngân hàng Thế giới (WB), Tập đoàn FPT…

Khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, hơn 10 năm qua, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã có bứt phá mạnh mẽ với nhiều thành tựu to lớn. Trong suốt những năm đổi mới và hội nhập, nền nông nghiệp phát triển mạnh, chuyển nhanh sang nông nghiệp hàng hóa cạnh tranh quốc tế, phát huy lợi thế, sản xuất theo nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Thu nhập, đời sống người nông dân được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu đạt được, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại như năng suất lao động, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp. Sản xuất quy mô nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng cao, chưa gắn chặt với thị trường tiêu thụ. Liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông sản còn hạn chế…

Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số được xác định là một trong các trụ cột thực hiện phát triển nhanh và bền vững, là một trong các khâu đột phá, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

“Nông nghiệp, nông thôn không đứng ngoài cuộc mà được Chương trình chuyển đổi số Quốc gia xác định là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên. Theo đó phát triển nông nghiệp công nghệ cao chú trọng nông nghiệp thông minh phải dựa trên nền tảng dữ liệu, nhất là hệ thống dữ liệu lớn của ngành, như đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thời tiết, môi trường…; tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh; phát triển mạnh thương mại điện tử; quản lý quy hoạch và dự báo, cảnh báo thị trường…”, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo đã nghe 06 báo cáo của các diễn giả trong nước và quốc tế trình bày những nội dung cốt lõi về chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, bao gồm: Ứng dụng công nghệ số; Canh tác thông minh; Vai trò của công nghệ số để giảm phát thải; Trí tuệ nhân tạo (AI) trong đánh giá chất lượng; Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; Ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp.

Các báo cáo và phần thảo luận tại hội thảo đã tập trung làm rõ 4 điểm sau:

Một là, làm rõ tính cấp thiết và tác động của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Từ đó nâng cao nhận thức, tiến tới hành động để triển khai thực hiện các giải pháp tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học, phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn.

Hai là, đánh giá thực trạng và kiến nghị xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về chuyển đổi số phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN để có thể tận dụng được các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

Đại diện FAO phát biểu tại Hội thảo

Đại diện FAO phát biểu tại Hội thảo

Ba là, xây dựng kế hoạch, chiến lược thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh số hoá cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp, nông thôn và liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kinh tế - xã hội, hạ tầng sản xuất, công nghệ, tài nguyên, môi trường, khí tượng thủy văn... làm cơ sở cho phân tích, dự báo, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn và tổ chức sản xuất, kinh doanh cho các chủ thể sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

Bốn là, đổi mới cơ chế quản lý khoa học, công nghệ. Khuyến khích tối đa, các doanh nghiệp, nhất là sự tham gia của khu vực tư nhân, vào đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, công nghệ số trong nông nghiệp, nông thôn. Cần có chính sách hỗ trợ các viện, trường, cơ sở nghiên cứu thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp, gắn kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.