Toàn cảnh Hội nghị Logistics 2023. |
Việt Nam có tốc độ phát triển logistics nhanh đứng top khu vực
Phát biểu tại Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề “Logistics Việt Nam - Con đường phía trước” do báo Đầu tư phối hợp Công ty SLP tổ chức ngày 5/10 tại TP HCM, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã tích cực chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách và kết cấu hạ tầng phát triển lĩnh vực quan trọng này. Nhờ vậy, năng lực và thứ hạng của ngành logistics Việt Nam đang được cải thiện và có xu hướng mở rộng.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Còn theo đánh giá của Agility, năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại hội nghị. |
Cũng theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, doanh nghiệp logistics ở Việt Nam đang tăng nhanh về số lượng. Đến nay, có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa, cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán tại Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam có 3 lợi thế lớn, trong đó, lợi thế đầu tiên là vị trí khi đất nước ta nằm ở trung tâm của Đông Nam Á, khu vực có tuyến đường biển, đường hàng không rất thuận lợi cho giao thương.
Tiếp đó, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức cao và lượng hàng hóa lưu chuyển rất lớn. Do vậy, có một nguồn hàng dồi dào, đó là cơ sở cho phát triển logistics.
"Thứ ba là môi trường kinh doanh ổn định, thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn từ nước ngoài đến đầu tư lập cơ sở sản xuất, kinh doanh, đó là điều kiện giúp ngành dịch vụ logistics phát triển", ông Trần Thanh Hải nêu.
Còn nhiều thách thức
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị. |
Bên cạnh những thuận lợi, ngành logistics Việt Nam cũng đang đối mặt với 4 thách thức lớn, đó là: Thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng, quy mô doanh nghiệp, nguồn nhân lực. Cụ thể, theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, thể chế và chính sách đối với lĩnh vực logistics tại Việt Nam chưa đồng bộ.
"Khung khổ pháp lý đối với ngành logistics được ban hành nhiều văn bản, song các chính sách cụ thể, chi tiết hóa các cụ thể các chủ trương đó vẫn chưa được thực hiện hoặc còn chồng chéo", Thứ trưởng nói.
Tiếp đó, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics còn hạn chế, không đồng bộ, chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa giữa các phương thức đang ngày càng lớn. Việt Nam còn thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất.
Thứ ba, hoạt động của các doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế trên các mặt quy mô hoạt động, vốn, nguồn nhân lực… Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng, thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài.
Đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ cho dịch vụ logistics qua đào tạo bài bản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu; Thiếu các chuyên viên logistics giỏi, có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp nội địa hiện nay, có tới 93 - 95% người lao động không được đào tạo bài bản, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ, như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn…
Nhấn mạnh quan điểm tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, để ngành logistics phát triển, cơ sở hạ tầng là yếu tố vô cùng quan trọng. Nhiệm kỳ này, Quốc hội đã quyết nghị chi 2,87 triệu tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các công trình, dự án.
Hai năm 2022-2023, có thêm hơn 143.000 tỷ đồng của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư cho các dự công trình, dự án quan trọng. Một phần không nhỏ trong nguồn lực này được dành cho hạ tầng giao thông, huyết mạch của nền kinh tế và cũng là huyết mạch của ngành logistics.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp và dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quá trình tham gia thẩm định các quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương, quy hoạch vùng… Vụ cũng rất quan tâm đến việc bố trí các quỹ đất, quan tâm của các địa phương liên quan đến lĩnh vực dịch vụ nói chung, hậu cần nói riêng.
Tuy nhiên, mỗi địa phương xây dựng quy hoạch theo nhu cầu riêng và các bộ, ngành sẽ đóng góp ý kiến. Theo đó, sự kết nối giữa các địa phương đôi khi chưa thực sự được hiệu quả.
Song, theo Luật Quy hoạch hiện nay, các cơ quan đang cố gắng áp dụng phương pháp tích hợp. Theo đó, tất cả 63 quy hoạch của các địa phương đều có chung Hội đồng thẩm định, những sự trùng lặp, chồng chéo sẽ được hạn chế.
Về kết quả thực tế, trong nhiệm kỳ này, Chính phủ tập trung cho 3 đột phá chiến lược. Trong đó, đột phá về hạ tầng thì ai cũng thấy rất rõ, đặc biệt là hệ thống hạ tầng về đường bộ.
"Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, đến nay, trên cả nước có khoảng 1.800 km đường cao tốc đang hoạt động. Phấn đấu đến năm 2025, trên cả nước có 3.000 km và đến năm 2030 thì có 5.000 km đường cao tốc… Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ.
Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng đang áp dụng chương trình Hải quan điện tử rất hiệu quả. Các doanh nghiệp có thể mở tờ khai 24/7, không bị phụ thuộc vào thời gian và địa điểm. Thủ tục thông quan qua hệ thống này cũng rất nhanh… Điều này phục vụ rất tốt cho lĩnh vực Logistics. Gần đây, những hạ tầng để phục vụ ngành logistics đã có những bước tiến, rất chi tiết và cụ thể”, ông Lê Tuấn Anh nói.
Tuy nhiên, cũng theo Vụ trưởng Lê Tuấn Anh, trong lĩnh vực đầu tư công của Nhà nước thì lĩnh vực logistics không nằm trong các chương trình được hỗ trợ. Do đó, cơ quan quản lý của ngành là Bộ Công Thương và các doanh nghiệp cần chứng minh được sự cần thiết.
"Cần làm rõ việc đầu tư vào các trung tâm logistics mang lại hiệu quả chung cho cả nền kinh tế (doanh nghiệp, người dân, chính quyền) như thế nào. Từ đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới tổng hợp và trình ra các các cơ quan chức năng", ông Lê Tuấn Anh Nói.